Ngày 17-10, thông tin từ Công an quận Long Biên, Hà Nội cho biết nơi đây đang tiến hành điều tra, niêm phong phòng khám BS Nguyễn Thị Kim Cúc tại quận Long Biên, TP Hà Nội trước vụ việc cháu bé NGB (22 tháng tuổi, ngụ tại thôn Lại Hoàng, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) tử vong sau khi truyền dịch điều trị tiêu chảy tại phòng khám này vào chiều 16-10.
Theo gia đình nạn nhân kể lại, vào chiều 15-10, bố mẹ cháu B. đưa cháu đến phòng khám tư của BS Nguyễn Thị Kim Cúc (địa chỉ tại 392 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, TP Hà Nội) vì thấy cháu có biểu hiện sốt, tiêu chảy.
Đến chiều 16-10, sau khi thấy con uống thuốc không khỏi, vợ chồng anh Dân (bố mẹ cháu B.) đã đưa cháu đến phòng khám của bà Nguyễn Thị Kim Cúc khám.
Sau khi khám, bà Cúc trực tiếp truyền dịch cho cháu. Sau khoảng 5 phút, thấy con tím tái, có biểu hiện sốc. Sau khi sự việc xảy ra, BS Cúc chạy từ trên gác xuống, gọi xe cấp cứu đến BV Đức Giang nhưng cháu đã không qua khỏi.
Sáng 17-10, anh Nguyễn Đình Tuân (chú ruột của cháu B.) cho biết: “Cháu chỉ bị viêm họng và tiêu chảy. Ngoài ra cháu hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh tật gì, ít khi bị bệnh đường hô hấp, 22 tháng nặng 17 kg, chỉ mới đây thời tiết thay đổi cháu mới bị ốm. Đây là lần đầu tiên cháu truyền dịch”.
Trả lời về vấn đề này, một lãnh đạo UBND phường Đức Giang, quận Long Biên xác nhận có sự việc trên và cho biết Công an phường đang phối hợp Công an quận điều tra làm rõ vụ việc cháu bé tử vong.
Ngoài ra, vị lãnh đạo phường Đức Giang cũng cho biết qua kiểm tra, cơ sở khám chữa bệnh của bà Nguyễn Thị Kim Cúc đầy đủ giấy phép hành nghề.
Liên quan đến cái chết của bé B., đại diện Sở Y tế Hà Nội cho hay: Vụ việc đang được công an vào cuộc, hiện Thanh tra Sở đã yêu cầu Phòng Y tế Long Biên phối hợp cùng với các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ.
Không nên lạm dụng việc truyền dịch Về vấn đề truyền dịch hiện nay, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi BV Bạch Mai, cho biết thực tế có không ít trước hợp cứ hơi ốm, mệt là nhờ nhân viên y tế đến nhà truyền dịch để mau khỏe. Kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng thì dễ xảy ra những tai biến sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền. Khi truyền dịch, với bất cứ dịch truyền nào đều có thể có các tai biến xảy ra. Trước hết là nguy cơ nhiễm trùng, xuất phát từ nơi đưa thuốc vào cơ thể. Theo BS Dũng, về nguyên tắc truyền dịch tốt cho sức khỏe nhưng không phải lúc nào cũng có thể truyền và đặc biệt là không được lạm dụng. |