Đưng Knớ là một xã của huyện Lạc Dương nằm sát nách phố thị Đà Lạt, nhưng không phải là phố thị; nằm sát nách đồng bằng Đam Rông nhưng không phải là đồng bằng. Ở tỉnh Lâm Đồng, Đưng Knớ của huyện Lạc Dương là vùng đất chênh vênh như ốc đảo nhưng gần phố; và ngược lại, là xứ sở của những huyền thoại nhưng không quá hoang vu...
Bức tranh nông thôn Đưng Knớ hôm nay
Vì… con đường
Tôi đến được trụ sở UBND xã Đưng Knớ đã gần trưa. Một cán bộ xã đang nghe điện thoại ngoài sân bảo “các đồng chí lãnh đạo đang họp với đoàn cán bộ của huyện về vấn đề xây dựng nông thôn mới”. Cuộc họp giữa huyện với xã kéo dài đến hơn 12 giờ trưa. Dự họp, nhiều đại biểu nói nhiều về con đường từ Đà Lạt vào Đưng Knớ. Với Đưng Knớ, đường giao thông là tiêu chí quan trọng bậc nhất trong những tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Bao nhiêu là “chuyện” từ con đường này mà ra, mà nên, mà thành.
Người ta bảo Đưng Knớ “ốc đảo”, Đưng Knớ “ma rừng”... là bởi tại con đường. Mùa mưa những năm trước đây, “ốc đảo” Đưng Knớ từng bị cô lập đến vài tháng liền. Những tháng bị cô lập, những thứ nhu yếu phẩm và thực phẩm thiết yếu như gạo, mắm, muối, cá khô, quần áo, xoong nồi... ở Đưng Knớ tăng gấp vài lần so với giá ở phố thị Đà Lạt là chuyện bình thường.
“Thu nhập đã kém, lại phải mua gạo từ 12.000 lên 30.000đ/kg trong những tháng “ốc đảo”, cuộc sống người dân ở đây càng thêm khó khăn” - Phó Chủ tịch xã Rơông Ha Nhang nhớ lại. Trước đó ở một quán nước ven đường, chủ quán là một người đàn bà ngoài 50 tuổi, hỏi: “Anh là khách ở xa đến à?”. Tôi gật rồi gọi lon bia giải khát. Nhìn quanh, bia thì đủ loại; rồi là gạo, mắm muối, cá khô, giấy vệ sinh... chẳng thiếu thứ gì. Hàng quán vùng sâu này chẳng kém so với Đà Lạt.
Tôi gọi lon bia chỉ để... khảo giá. Nhưng thật bất ngờ khi tính tiền, chị chủ quán bảo: “Mười ngàn!”. Tôi tò mò: “Rẻ thế ạ? Còn rẻ hơn ở Đà Lạt!”. Chị cười: “Bây giờ, hàng quán ở đây nhiều rồi, đường sá đi lại không quá khó như trước, hàng hóa ê hề, bán đắt một lon bia chỉ một ngàn đồng thôi là hôm sau không còn khách!”. Tôi hỏi: “Lại tại con đường, phải không?”. Chị gật đầu.
Lúc trên đường, tôi đi cùng với anh bạn tên Khánh chuyên chở mắm muối, cá khô, bánh kẹo... vào Đưng Knớ. Chiếc xe máy của Khánh là cái chợ di động. Dừng giải lao giữa rừng già, tôi hỏi Khánh: “Vất vả thế, nhưng lời nhiều, cũng bõ công nhỉ?”. Khánh thở dài đánh sượt: “Ôi dào, nào chỉ mình em đâu! Giờ, đi lại thuận tiện, mỗi ngày có đến mấy “cái chợ di động” như thế này.
Vào đó, mỗi món chỉ kiếm lời “hơi hơi” một chút là được rồi. Hét trên trời, chả ai thèm ngó đâu anh ạ!”. Hóa ra, lại vì... con đường!
Mảng màu không “vui mắt”
Chỉ mới “xa” Đưng Knớ với thời gian không dài nhưng trở lại, tôi nhận ra mấy ngôi nhà mới xây khá khang trang nằm cạnh những ngôi nhà gỗ đơn sơ truyền thống. “Của người dân tộc thiểu số mình cả đấy! Bây giờ, nhiều hộ khá giả lắm rồi...” - Rơông Ha Nhang nói. Rồi, anh hạ giọng: “Mà, khổ lắm anh ạ! Bà con mình, người làm thì làm cật lực, còn người chơi thì cũng chơi... cật lực”.
Hóa ra, cái nếp nghĩ “đàn ông chơi, đàn bà làm” của chế độ mẫu hệ như cách nay hàng trăm năm vẫn còn sâu đậm trong đầu của người dân tộc thiểu số Chil ở Đưng Knớ. Trên đường ngang qua Lán Tranh - một thôn của Đưng Knớ cách trung tâm xã về phía ngoài khoảng gần mười cây số, buổi sáng vẫn còn sớm, đang nắm tay lái thật vững, tôi bỗng bắt gặp một người đàn ông “khật khưỡng” suýt húc vào. Đạp phanh kịp nhưng chiếc xe hai bánh của tôi đã nằm sát sạt bên hông. Anh ta ngoác miệng cười vung vào mặt tôi: “Kon Duôn (người Kinh) mày hay bảo đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt hả? Thì hãy ngồi xuống đây và say cho đến hết cuộc đời vậy, nhé... nhé...”.
Nghe người đàn ông lạ hoắc xướng những ca từ trong những bài hát, cái máu nhạc trong người tôi bùng lên: “Này, anh bạn, gần đây có chỗ nào vừa “uống” được và vừa có cây đàn ghi-ta không?”. Người đàn ông lại ngoác mồm: “Dễ ợt! Không có đàn, ta chỉ uống và hát chay. Dám không?”. Dĩ nhiên là “dám”!
Vào quán, lấy lý do vì còn phải chạy xe và “làm việc với cấp trên” tôi chỉ hầu chuyện. Ông anh cao hứng: “Rừng núi dang tay nối lại biển xa...”. Chuyện trò dăm phút đủ để biết gia cảnh của anh ta: Là cha của bốn đứa con nheo nhóc, nhà cũng có đất trồng càphê tuy không nhiều nhưng vợ là người đứng ra gánh vác tất tật, anh chàng không phải làm việc gì cả.
Bon Niêng Ha Gioen - tên người đàn ông - sau vài bài hát đã gục mặt xuống bàn. Bà chủ quán vừa đưa tay cầm mấy chục ngàn tiền ba lon bia, vừa trách: “Nó say từ sáng đến tối vậy đấy, vợ con thì chạy gạo từng bữa...”.
Đường Đông Trường Sơn đi ngang qua Đưng Knớ. |
Đem chuyện trên kể lại với Phó Chủ tịch xã Rơông Ha Nhang, anh bảo: “Ngoài Lán Tranh có Bon Niêng Ha Gioen, còn ở đây - Bon Gia Đưng Knớ (tên xã ngày nay), có ông Nơtrang Hà Choong cũng y hệt. Hà Choong cũng suốt ngày lang thang uống rượu. Cả sáu đứa con chỉ một mình bà vợ lo...”.
Rồi anh nói như... đang đọc báo cáo: “Đưng Knớ hiện có 406 hộ - 1.964 khẩu; trong đó, người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Chil) chiếm đến 95%. Tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã là 21%...”. Tôi cắt ngang để cho câu chuyện “mềm” hơn: “Sao không “giảm” những người như Nơtrang Hà Choong, Bon Niêng Ha Gioen... bằng cách khuyên họ chí thú làm ăn?”. Ha Nhang xa xăm: “Cái nếp nghĩ “đủ ăn” và đàn bà là người chịu trách nhiệm chính trong gia đình vẫn còn đậm trong đầu những con người ấy. Khó chuyển lắm!”. Rồi, anh bảo: “Nhưng cũng có những người chí thú làm ăn...”.
Bức tranh nông thôn mới
Trở lại chuyện những ngôi nhà xây, Ha Nhang nói: “Cũng tầm tuổi 40 - 50 nhưng nếu ai xóa được cái suy nghĩ “mẫu quyền” để chí thú làm ăn là được, là khá giả, là xây được nhà thôi mà! Và, điều quan trọng nữa là họ phải dạy đàn con đàn cháu biết tính toán làm ăn”.
Rơông Ha Nhang cho tôi một vài địa chỉ để ví dụ. Chil Múp Ha Húy (50 tuổi, ở thôn 1, Đưng Knớ) có nhà xây ngay đầu làng. Với 3ha càphê và 7 sào ruộng, hằng năm, gia đình Ha Húy thu nhập vài trăm triệu đồng. Ha Húy trước đây học ở Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt rồi về dạy ở Đưng Knớ. Tuy có lương, nhưng điều quan trọng là ông nhà giáo người Chil này biết tổ chức sản xuất. Nhờ đó, chẳng bao lâu, Ha Húy đi làm bằng xe u oát và xử lý công việc nhà (hàng quán) với chiếc xe vận tải chở hàng từ xa.
“Phải năng động cái đầu để hai đứa con mình có tiền học đại học chớ!” - Ha Húy có vẻ khiêm tốn. Còn đây là Kơsa Ha Já, 49 tuổi, ở thôn 2: “Nhà mình chỉ có 2ha càphê thôi. Nhưng nhờ cái là mình biết học kỹ thuật chăm sóc nên năng suất kha khá”. Còn ở Lán Tranh, trái ngược với hình ảnh Bon Niêng Ha Gioen là ông Rơông Ha Mang (52 tuổi): “Mình có 4ha cà phê nhưng có đến 4 đứa con, không làm thì lấy gì cho chúng ăn học”.
Đi vào từng gia đình, bức tranh nông thôn mới của Đưng Knớ là như thế. Còn rộng ra, theo Phó Chủ tịch xã Rơông Ha Nhang: Đưng Knớ có tổng diện tích tự nhiên gần 20.000ha; trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm những 17.958,15ha.
Anh Ha Nhang nói thêm: “Năm 2014 này, xã có 80 hộ được huyện Lạc Dương đầu tư gần 700 triệu đồng để thâm canh cây càphê (hơn 69ha) theo mô hình điểm. Bên cạnh đó còn là các nguồn như vốn xây dựng cơ sở hạ tầng là gần 1,2 tỉ đồng, vốn lồng ghép hơn 1,4 tỉ đồng... Đến nay, Đưng Knớ đã đạt 7 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới...”.
Thú thực, con số 7 này có thể “không là gì cả” nếu xét về mặt hình thức, vì xét ở phạm vi cả tỉnh thì Lâm Đồng không còn xã chỉ đạt 5 tiêu chí mà bình quân đã đạt con số 10,82 tiêu chí (cao hơn tỉ lệ bình quân cả nước). Song, với Đưng Knớ, đây lại là con số thật ấn tượng: Cách nay mười năm, tỉ lệ hộ nghèo của xã còn đến 54%!
Theo KHẮC DŨNG (Lao Động)