Gửi thư đến Pháp Luật TP.HCM, các văn phòng công chứng tại Bến Tre phản ánh họ đang gặp khó khăn, nhiều văn phòng dự kiến tạm ngưng hoạt động, thậm chí đóng cửa. Nguyên do là họ chưa được chuyển giao công chứng một số việc mà trước đây phường, xã đảm nhận khiến văn phòng vắng khách, ế ẩm.
Vắng như… chùa bà đanh
Chúng tôi đến Văn phòng Công chứng Mỏ Cày Nam. Dù đang giờ làm việc nhưng tại văn phòng này vắng vẻ, không có khách. Tình trạng ế ẩm kéo dài thường xuyên nên văn phòng phải cho một số nhân viên nghỉ việc để tiết kiệm chi tiêu.
Ông Nguyễn Thanh Lương, Trưởng Văn phòng Công chứng Mỏ Cày Nam, cho biết năm 2013, UBND tỉnh Bến Tre có các quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng giao dịch từ UBND TP Bến Tre, Châu Thành, Bình Đại và UBND 37 xã, phường, thị trấn thuộc ba huyện, thành phố nêu trên sang các tổ chức hành nghề công chứng theo tinh thần Quyết định 2104 (ngày 29-12-2012 của Thủ tướng về quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020).
“Được trên khuyến khích, chúng tôi đã bỏ nhiều thời gian, công sức lẫn tiền bạc để đầu tư mở văn phòng. Tuy nhiên, khi chúng tôi đang chờ thủ tục chuyển giao như tinh thần trên thì đến tháng 11-2014, chúng tôi nhận quyết định của UBND tỉnh có nội dung bãi bỏ các quyết định chuyển giao trước đây” - ông Lương kể.
Các văn phòng công chứng ở Bến Tre vắng khách. Ảnh: HOÀNG NAM
Tại một văn phòng công chứng khác ở huyện Mỏ Cày Bắc, tình hình cũng không có gì khả quan hơn. Nhân viên văn phòng luôn nhiều hơn khách.
“Trước đây do chủ trương chuyển giao nên chúng tôi mới dám đầu tư, nay đùng một cái lại ngưng chuyển giao mà không rõ lý do nên văn phòng không có khách, nợ nần chồng chất, tổng doanh thu hằng tháng không đủ trả cho nhân viên văn phòng” - ông Phan Đức Toàn, Trưởng Văn phòng Công chứng Mỏ Cày Bắc, nêu.
Đang chờ chỉ đạo mới
Ông Lê Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre, cho biết việc bãi bỏ các quyết định chuyển giao trước đây là có lý do. Theo Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Nghị định 43/2014 và Thông tư 15/2014 của Bộ Công an, việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, nhà ở, tài sản gắn liền với đất và việc bán, tặng cho xe của cá nhân thì người dân được quyền lựa chọn công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã, huyện…
Ông Hiền thông tin thêm: “Sau khi chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định chuyển giao vào năm 2013 thì phát sinh thêm các văn bản luật nói trên. Do cơ sở pháp lý để ban hành các văn bản chuyển giao trước đây đã thay đổi và không còn phù hợp với quy định hiện hành nên chúng tôi phải thực hiện theo tinh thần của các văn bản của các cơ quan cấp trên. Cụ thể như tháng 11-2014, Bộ Tư pháp có công văn gửi UBND tỉnh với nội dung: Đối với địa bàn cấp huyện trong phạm vi cấp tỉnh mà chưa thực hiện việc chuyển giao… tạm thời chưa đề xuất tiếp tục việc chuyển giao… để người dân có quyền lựa chọn công chứng hoặc chứng thực cho đến khi có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền”.
“Chúng tôi rất hiểu và thông cảm với hoàn cảnh sống dở chết dở của các văn phòng công chứng hiện nay. Mặt khác, nhiều vấn đề trong thủ tục chuyển giao vẫn còn đang bỏ ngỏ, nhiều quy định còn chồng chéo, chưa rõ ràng gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Chúng tôi vẫn còn đang phải chờ chỉ đạo mới từ trên. Chúng tôi cũng kiến nghị trên nên có quy định rõ ràng hơn với vấn đề này với quan điểm nếu cái gì có lợi cho dân thì làm” - ông Hiền nhấn mạnh.
Theo Quyết định 2104 (ngày 29-12-2012 của Thủ tướng về quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng) thì sẽ tiến tới thực hiện việc chuyển giao toàn bộ các hợp đồng giao dịch do UBND cấp huyện, xã đang chứng thực liên quan hoặc có khả năng liên quan đến chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản sang cho các tổ chức hành nghề công chứng. |