Bệnh hô hấp vào mùa, chuyên gia khuyến cáo dấu hiệu nhận biết sớm

(PLO)- Bệnh hô hấp vào mùa, trẻ em nhập viện gia tăng, chuyên gia khuyến cáo nhận biết sớm và phòng ngừa biến chứng nặng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, số ca bệnh hô hấp đang vào mùa cao điểm nhất trong năm.

Tưởng cảm cúm hóa ra bệnh hô hấp

Chị Trần Yến Phúc (35 tuổi, quê Long An) chăm con hơn 5 tháng tuổi đang điều trị bệnh viêm phổi tại phòng cấp cứu của khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi đồng 2.

Chị cho biết con sinh non, từ khi mới sinh đã điều trị ở bệnh viện này được hơn 4 tháng, rồi chuyển qua khoa Hô hấp 1 điều trị 3 tuần, cai máy thở và được xuất viện.

“Khi tái khám, bác sĩ chẩn đoán sức khỏe của con vẫn bình thường. Tuy nhiên có lẽ do bị lây chéo trong bệnh viện nên một ngày sau tái khám, bé lại quấy khóc, ho nhiều, có nhiều đàm, khó thở, môi tái nhạt. Tôi tự đo ôxy tại nhà cho con thì thấy tụt thấp nên gắn ôxy cho bé thở. Khi ôxy đã lên lại, gia đình ẵm bé vào Bệnh viện Nhi 2 để thăm khám và điều trị” - chị Phúc nói.

bệnh hô hấp - 1
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh hô hấp. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phổi nặng, đang được thở ôxy lưu lượng cao. Hiện tình hình sức khỏe của con chị Phúc đã ổn hơn lúc nhập viện. Bé đã điều trị được 10 ngày, bác sĩ cho biết khi nào hết viêm phổi mới có khả năng xuất viện.

Giường bên cạnh là con gái 5 tháng tuổi của chị Bùi Thị Nhung (ngụ Bình Dương) cũng đang điều trị viêm phổi. Chị cho biết con chị nhập viện cách đây một tuần trong tình trạng người tím tái.

“Trước nhập viện, con tôi có sốt, hơi ho, tưởng con bị cảm cúm bình thường nên tôi cho con uống hạ sốt thì đỡ. Đến tối hôm sau, đột nhiên con tím hết người nên gia đình đưa vào bệnh viện ở tỉnh, sau đó được chuyển lên thẳng Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu trong đêm. Bác sĩ chẩn đoán con bị viêm phổi nặng, mở nội khí quản và cho con thở máy” - chị Nhung chia sẻ.

Hiện con đã cai máy thở nhưng bị biến chứng tiêu chảy nặng, không tự ăn được, phải đeo ống xông để truyền dinh dưỡng qua đường mũi.

benh-ho-hap-5.jpg
Phụ huynh chăm con mắc bệnh hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Ảnh: NGUYỆT NHI

Số ca bắt đầu gia tăng

Hệ thống giám sát ca bệnh viêm hô hấp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận trung bình mỗi tuần toàn TP có khoảng 17.000 ca bệnh viêm hô hấp cấp tính.

Diễn tiến bệnh hô hấp dao động theo mùa, những tuần có số ca viêm hô hấp thấp nhất trong khoảng thời gian tháng 2 đến tháng 3; tuần có số ca bệnh cao nhất trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 với hơn 20.000 ca/tuần. Số ca bệnh là trẻ em chiếm khoảng 60% tổng số ca mắc toàn TP và có diễn tiến tương tự.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1 (Bệnh viện Nhi đồng 2), cho biết bệnh lý hô hấp lây qua không khí, đặc biệt dễ lan trong môi trường tập thể như trường học, khiến trẻ dễ nhiễm bệnh trong những thời điểm này. Hiện tại, dù chưa phải đỉnh dịch, số ca bệnh hô hấp đã bắt đầu gia tăng.

Bắt đầu quý IV mọi năm là thời điểm bắt đầu tình trạng về hô hấp ở trẻ em. Trong khoảng hai tuần gần đây, số lượng bệnh nhi tại khoa Hô hấp 1 tăng từ 20-25% so với cách đây một tháng. Hiện khoa này đang điều trị khoảng 200 trẻ nội trú, số ca khám ngoại trú cũng có xu hướng tăng. Có khoảng 12 ca hô hấp nặng, chiếm 10-15%.

benh-ho-hap-2.jpg
Đây là đợt tăng bệnh hô hấp do các siêu vi thông thường theo mùa hàng năm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, nơi đây tiếp nhận và điều trị số lượng bệnh nhi hô hấp tăng cao so với các tháng khác. Đây là đợt tăng bệnh hô hấp do các siêu vi thông thường theo mùa hàng năm (Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV), Adenovirus, Influenza virus…).

Trong năm 2024, bệnh viện này tiếp nhận số lượng bệnh nhân hô hấp tương đương với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, bệnh viêm tiểu phế quản ở mức 129%, viêm phổi 90,8% so với cùng kỳ năm trước.

Để giải quyết tình trạng quá tải, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tăng cường một số phòng khám, tăng cường điều trị theo dõi ngoại trú, mở rộng các khoa Hô hấp, Nội tổng quát 1, Nội tổng quát 2, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhi hô hấp gia tăng trong thời gian tới.

benh-ho-hap-6.jpg
Bệnh hô hấp ở trẻ đang có xu hướng tăng. Ảnh: NGUYỆT NHI

Dấu hiệu nhận biết sớm

Bác sĩ Phong cho biết, triệu chứng nhập viện ở trẻ mức độ trung bình nặng là từ ho, sốt, khó thở, dẫn đến suy hô hấp nặng, tình trạng nặng hơn nữa sẽ được cấp cứu và thở máy.

Dấu hiệu nhận biết bệnh hô hấp nặng ở trẻ không thay đổi nhiều qua các năm, gồm ho tăng, khó thở, thở nhanh, sốt cao không hạ, các dấu hiệu nguy hiểm toàn thân. Đối với những trẻ có nguy cơ cao như sinh non, mắc bệnh bẩm sinh hay suy giảm miễn dịch, bệnh hô hấp có thể diễn tiến nặng nhanh hơn.

Các dấu hiệu viêm phổi nặng cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xem xét nhập viện gồm: thở co lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở rên, bú kém hoặc không uống được, tím tái.

“Nhiều phụ huynh thường bỏ qua các dấu hiệu ban đầu như ho, sổ mũi, ho đàm, nghẹt mũi, chảy mũi… vì nó giống với cảm cúm thông thường. Từ đó không đưa trẻ đến bệnh viện khám, dẫn đến trẻ bị diễn biến về đường hô hấp nặng như sốt, khó thở, phải nhập viện, gây khó khăn cho việc điều trị” - bác sĩ nhấn mạnh.

benh-ho-hap-1.jpg
Cần nhận biết các dấu hiệu ban đầu để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bác sĩ khuyến cáo khi trẻ có các dấu hiệu về bệnh đường hô hấp như kể trên, cần đưa trẻ đến bác sĩ khoa nhi để thăm khám, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng phải nhập viện. Phụ huynh cũng cần đặc biệt chú ý đưa trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, để tránh nhập viện nội trú, bác sĩ Phong lưu ý phụ huynh nên cung cấp đủ nước, dịch điện giải và trái cây cho trẻ trong quá trình chăm sóc tại nhà. Việc rửa mũi để loại bỏ dịch tiết là một biện pháp tốt, nhưng cần tuân theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

“Trẻ vẫn có thể nằm điều hòa với nhiệt độ phòng duy trì ở mức 25 độ C, tuy nhiên cần vệ sinh máy lạnh thường xuyên để tránh vi khuẩn tích tụ, ảnh hưởng đến môi trường không khí” - bác sĩ Phong khuyến cáo.

Bác sĩ Phong chia sẻ thêm, hiện khoa tiếp nhận các bệnh hô hấp nặng như viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hen. Đây là các ca bệnh nội trú cần được theo dõi kỹ lưỡng. Để đối phó với mùa bệnh đông, bệnh viện đã lên phương án chống nhiễm khuẩn và phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện; sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự và quy trình chăm sóc.

Phòng ngừa bệnh hô hấp

Để phòng ngừa và hạn chế sự gia tăng của các bệnh lý hô hấp, các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo cần thường xuyên vệ sinh lớp học và giữ thông thoáng lớp; Theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi để thông báo kịp thời cho cơ sở y tế.

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng để phòng chống dịch bệnh; Trẻ cần được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch giúp giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp.

Phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Việc tiêm chủng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

Ngành y tế TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm