Bệnh nhân COVID cần địa chỉ tin cậy làm cầu nối với bác sĩ, thuốc men

Chiều 29-11, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã cùng các đại biểu (ĐB) tổ ĐB HĐND TP đơn vị 17, 18 tiếp xúc trực tuyến với cử tri quận Bình Thạnh sau kỳ họp thứ 3 và trước kỳ họp thứ 4.

Tại đây, nhiều cử tri bày tỏ lo lắng về tình hình dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát trở lại, đồng thời quan tâm đến các giải pháp khôi phục, phát triển kinh tế trong thời gian tới.

txct-phan-thi-thang-vay-nang-lai

Tổ ĐB HĐND TP.HCM đơn vị 17, 18 tiếp xúc trực tuyến với cử tri quận Bình Thạnh. Ảnh: DƯƠNG DƯƠNG

‘Nhậu nhẹt, đi lại rất đông’

Cử tri Lương Văn Tác, phường 3, cho biết người dân đang rất lo lắng khi việc kiểm soát dịch trong tháng 11 vừa qua dường như chưa thực sự tốt, số ca nhiễm khá cao, có ngày TP.HCM lên tới 1.800 ca nhiễm; số tử vong tưởng giảm nhưng vẫn diễn biến liên tục.

Theo cử tri Tác, người dân còn rất chủ quan khi đã tiêm hai mũi vaccine; các cấp chính quyền lơ là, không chặt chẽ như trước; các quán nhậu mở ra quá nhiều, nhậu nhẹt, đi lại rất đông. Ông đề nghị lãnh đạo các cấp phải thật chú ý.

Ông cũng đề nghị bằng mọi giá phải củng cố y tế cơ sở, bởi hiện mỗi trạm y tế chỉ có 2-3 người làm sao lo được cho hàng trăm F0. “F0 gọi lên y tế phường thì không ai xuống, may mắn đã vượt qua được chứ nếu chuyển nặng thì không biết sao” – ông Phát chia sẻ và cho biết thuốc trị COVID-19 cũng rất thiếu, nhiều bà con không được cấp thuốc kháng virus, mỗi ngày chỉ chờ đo nhiệt độ, uống vitamin C với thuốc giảm đau.

“Nếu như có thuốc kháng virus ngay ngày đầu thì tỉ lệ chuyển nặng, ca tử vong sẽ không cao như lúc trước” – ông nói.

txct-phan-thi-thang

Cử tri quận Bình Thạnh phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: DƯƠNG DƯƠNG

Cử tri Tác cũng đề nghị cần có giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Đồng thời, đảm bảo nguồn hàng hoá đủ cho người dân phục vụ Tết, tránh tăng giá, lạm phát; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau Tết.

Còn cử tri Nguyễn Quốc Điểm, phường 22, đã dành nhiều thời gian góp ý về bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh trong đợt dịch thứ 4 cho lãnh đạo TP. Trong đó ông nhấn mạnh trách nhiệm tham mưu, đánh giá tình hình dịch của Sở Y tế.

Cử tri Điểm cho rằng có lúc TP chưa cương quyết, dẫn đến phải quy định người dân không ra đường sau 18 giờ là việc rất đau lòng.

Xã hội đen, đòi nợ diễn biến phức tạp

Trả lời cử tri, ĐB Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định tới thời điểm hiện nay thì dịch bệnh ‘chưa đi’. Cụ thể, từ 1-10, khi TP mở ra một số hoạt động bình thường mới thì dịch vẫn còn; TP đã tăng cường vaccine, đẩy mạnh các giải pháp vừa sản xuất, phục hồi kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh.

Về khôi phục sản xuất kinh doanh, ĐB Phan Thị Thắng thông tin TP đã đề nghị các doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp phải ký hợp đồng với đơn vị y tế trên địa bàn. Từ đó khi có F0 thì có đơn vị hỗ trợ chăm sóc, giảm tải cho y tế phường. TP cũng đã chỉ đạo lập các trạm y tế lưu động trở lại, Sở Y tế cũng đã trình UBND TP để trình Ban Thường vụ Thành uỷ về các chính sách cho y tế cơ sở.

Bà đề nghị các quận, huyện nên kết nối với bác sĩ (BS) về hưu, hệ thống BS trẻ, BS đang công tác trên địa bàn và xây dựng các kênh liên lạc cho F0.

“Không đòi hỏi có BS ngay nhưng người bệnh cần có chỗ tin tưởng làm cầu nối với BS, thuốc men thì sẽ yên tâm hơn. Nếu F0 không kêu ai được, điện lên trạm y tế thì quá tải, liên lạc không thông suốt sẽ rất lo lắng” - bà nói và cho biết TP đang xử lý để đưa các túi thuốc C có thuốc kháng virus về cho các địa phương. Tuy nhiên, không phải người nào bị F0 cũng cho uống thuốc kháng virus liền mà tuỳ vào tình hình bệnh để tư vấn.

txct-phan-thi-thang

ĐB HĐND Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM trả lời cử tri. Ảnh: DƯƠNG DƯƠNG

Theo Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng, các doanh nghiệp cơ bản đã tiếp cận vốn nhưng hộ kinh doanh, người buôn bán nhỏ lẻ tiếp cận rất khó khăn. “Chính khó khăn này tạo ra cơ hội cho người cho vay nặng lãi, người dân không trả được dẫn đến xã hội đen đòi nợ. Tình hình đó trên địa bàn TP là có thật và đang diễn biến rất phức tạp” – bà Thắng phân tích.

Bà cho rằng cấp cơ sở cần phát huy nguồn vốn, nghĩ ra nhiều mô hình về tài trợ vốn cho hộ kinh doanh khó khăn từ các hội, ngân hàng chính sách. “Người ta chỉ mượn 500 -1 triệu đồng mà không trả được thì trong một thời gian rất ngắn đã lên vài chục triệu, như vậy là quá khả năng của gia đình” – bà Thắng nói và đề nghị các địa phương hiến kế bởi bản thân bà rất trăn trở về tình trạng này.

ĐB Phan Thị Thắng cũng thông tin, gần đây dịch bệnh ổn định lại nhưng sức mua trong tháng 10 rất thấp. Do đó, giữa tháng 11, TP chỉ đạo các doanh nghiệp đồng loạt khởi động toàn bộ chương trình khuyến mãi, đây cũng là chương trình lớn nhất từ trước đến nay, để giải phóng hàng hoá, tạo điều kiện cho người dân mua sắm.

Từ nay đến cuối năm, TP tập trung đảm bảo hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân cho Tết; ba chợ đầu mối đang được tập trung đẩy công suất cao hơn...

‘TP đã ngồi lại rút kinh nghiệm’

Chia sẻ với sự băn khoăn, lo lắng của người dân khi số ca F0 tăng, xuất hiện chủng virus mới, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết lãnh đạo TP luôn theo dõi, chỉ đạo, giám sát diễn biến dịch bệnh hàng ngày.

Trong đó, Bí thư Thành uỷ TP đều cùng với Ban chỉ đạo phòng chống, dịch TP họp với các quận, huyện hàng tuần để kịp thời nắm bắt tình hình, diễn biến dịch bệnh và có chỉ đạo kịp thời. TP cũng đã chỉ đạo các cán bộ trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp TP, quận, huyện quay lại vừa làm công tác chuyên môn vừa tăng cường phòng chống dịch như giai đoạn trước.

Chia sẻ với ý kiến của cử tri về hệ thống y tế cơ sở chưa được đầu tư đúng mức, bà Phan Thị Thắng nhìn nhận, trong điều kiện bình thường, vai trò trạm y tế ít được ai nhìn thấy nên đề nghị đầu tư khó khăn. Khi dịch bệnh xảy ra thì toàn bộ hệ thống đó đã bộc lộ nhiều yếu kém.

“Từ đó, chúng ta có những lúc quá tải, tử vong, không chuyển bệnh được, những gì cô bác nói đều xảy ra, rút kinh nghiệm hàng ngày, hậu quả để lại cũng đã có. TP đã cùng với các ngành ngồi lại rút kinh nghiệm, thẳng thắn chỉ ra những ưu, khuyết điểm và rất cố gắng tránh lặp lại trường hợp đó nếu dịch bệnh tái bùng phát” – bà Thắng nói.

Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng cho biết vào thời điểm đó, người dân chưa được tiêm vaccine, cơ sở vật chất yếu, thể lực con người không đủ đáp ứng nên nhiều người chuyển bệnh nặng, không cấp cứu kịp thời, dẫn đến số tử vong lớn.

“Đây là một điều đau xót, có trách nhiệm rất lớn của lãnh đạo TP, chúng tôi sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm” – bà Thắng khẳng định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm