Bệnh nhân neo đơn được chăm sóc miễn phí trong những ngày Tết

“Cách đây hơn năm, tôi bị tai nạn giao thông. Do bị tổn thương tủy sống nên được đưa vào bệnh viện (BV) địa phương điều trị. Tuy nhiên do bệnh tình quá nặng, tôi được chuyển lên BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM” – anh TVH (36 tuổi, ở Tiền Giang) chia sẻ.

Hết rầu thúi ruột vì có người chăm sóc miễn phí

Do bị tổn thương tủy sống nặng nên anh H. gần như bị liệt, phải ngồi xe lăn. Vì vậy, vợ anh H. gửi hai con (10 tuổi và 8 tuổi) cho ba má ruột trông chừng để vào BV chăm sóc chồng.

“Những ngày gần Tết Nguyên đán 2022, ba má vợ của tôi bất ngờ đổ bệnh, tay chân run rẩy, đi lại khó khăn. Do vậy, vợ tôi đang sắp xếp về quê để chăm sóc cả ba má lẫn hai con”- anh H. buồn nói.

Ba má anh H. không còn, chị em anh H. cũng đã có gia đình riêng nên anh không thể cậy nhờ. Anh H. định thuê người chăm sóc nhưng khổ nỗi không có tiền. “Hai hôm nữa vợ tôi phải về quê. Thực lòng mà nói, tôi rầu thúi ruột vì lo không có người hỗ trợ việc ăn uống, vệ sinh” – anh H. nói.

Lãnh đạo BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM tặng quà Tết cho bệnh nhân nghèo. Ảnh: TRẦN NGỌC

Mọi chuyện tưởng chừng không có hướng giải quyết. Dè đâu mới hôm qua, anh H. được BV thông báo sẽ có người của một công ty nuôi bệnh đứng ra chăm sóc miễn phí trong những ngày Tết. Chưa hết, người nuôi bệnh còn luôn ở cạnh anh H. để chuyện trò cho vơi nỗi buồn trong ba ngày xuân.

“Nghe được tin này, vợ chồng tôi mừng lắm. Vậy là vợ tôi an tâm về quê trông coi hai con nhỏ, lại còn được gần ba má trong những ngày Tết. Còn tôi, chẳng còn lo không có người chăm sóc” – anh H. trải lòng.

Con cái đỡ vất vả vì có người hỗ trợ

Di chứng tai biến mạch não mà bà VTM (52 tuổi, ở Bà Rịa-Vũng Tàu) gánh chịu là bị yếu liệt, phải nằm một chỗ. Bà được BV địa phương chuyển vô BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM cách đây hơn nửa năm. “Con gái duy nhất phải bỏ công ăn việc làm để vào BV chăm sóc tôi. Lúc đổ bệnh, mới thấy mình là gánh nặng cho con cái” – bà M. nói.

Do nằm một chỗ lâu ngày, nhiều nơi ở mông, lưng và vai bà M. bị lở loét, gây đau nhức. “Tôi nặng ký, còn con tôi thì ốm. Sau mỗi lần lật trở để làm sạch những chỗ lở loét cho tôi, con tôi ngồi thở khiến tôi cầm lòng không đặng. Tôi định thuê người nuôi bệnh để đỡ đần công việc nhưng con tôi không chịu, nói tiền để dành lo thuốc thang” – bà M. nói thêm.

Bệnh nhân tham quan đường hoa xuân trong BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Biết được hoàn cảnh của bà M., thông qua phía BV, một công ty nuôi bệnh phân công người đến hỗ trợ chăm sóc miễn phí cho bà M. Ngoài lật trở bà M., nhân viên này còn giúp cho ăn, tập vật lý trị liệu… “Nhờ có nhân viên của công ty nuôi bệnh hỗ trợ, con tôi đỡ vất vả phần nào” – bà M. vui vẻ nói.

Luôn xem bệnh nhân như người nhà

“Trong những ngày Tết, nhiều bệnh nhân nặng phải ở lại BV để điều trị. Trong đó không ít bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhà neo người…” – TS-BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, chia sẻ.

Do bệnh nhân điều trị tại BV đa phần không thể tự đi lại, không thể tự chăm sóc nên rất cần có người hỗ trợ trong mọi sinh hoạt hàng ngày. “Đối với bệnh nhân neo đơn hoặc thiếu người chăm sóc, BV hợp đồng với Công ty Cổ phần WeCare 247 (TP.HCM) để cung cấp người nuôi bệnh miễn phí. Ngoài chăm sóc người bệnh, hỗ trợ tập vật lý trị liệu, người của công ty này còn trấn an, động viên người bệnh cố vượt qua bệnh tật. Đặc biệt trong những ngày Tết Nguyên đán 2022, người của Công ty Cổ phần WeCare 247 luôn bên cạnh bệnh nhân chuyện trò, an ủi để vơi nỗi nhớ nhà” – TS-BS Hoàng cho biết thêm.

Luôn xem bệnh nhân như người nhà, BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM có nhiều sự quan tâm cho bệnh nhân trong những ngày xuân. “BV dành nhiều quà Tết tặng bệnh nhân nặng, có hoàn cảnh khó khăn. BV cũng thiết kế đường hoa mang tên “Sắc xuân trong bệnh viện” với các gian hàng đơn sơ, mộc mạc, thấm đượm làng quê… để bệnh nhân tham quan, chụp hình lưu niệm. Hoạt động này giúp bệnh nhân tạm thời quên nỗi đau thân xác do bệnh tật gây ra” – TS-BS Hoàng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm