Phát hiện này được xuất bản trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm và Ung thư, cho thấy vi khuẩn Porphyromonas gingivalis có trên 61% người bị ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản (ESCC).
Phát hiện này cho thấy bằng chứng trực tiếp rằng nhiễm vi khuẩn Porphyromonas gingivalis có thể tăng cao nguy cơ ung thư thực quản và là dấu hiệu sinh học đầu tiên cho chứng ung thư này. Nếu được xác nhận, dữ liệu trên sẽ cho thấy rằng chữa trị bệnh răng miệng sẽ giúp làm giảm đáng kể số người bị ung thư thực quản.
Thực quản là một ống cơ rất quan trọng để đưa thực phẩm từ miệng xuống bao tử. Trong nghiên cứu này các nhà khoa học đã kiểm tra các mẫu mô của 100 bệnh nhân bị ESCC và 30 người bình thường. Kết quả cho thấy cả enzyme từ vi khuẩn xấu và DNA của chúng đều cao hơn rất nhiều ở người bị ESCC so với người bình thường.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra sự hiện diện của Porphyromonas gingivalis cũng đi kèm với nhiều yếu tố khác, bao gồm sự khác biệt của các tế bào ung thư, di căn và tỉ lệ sống sót của người bệnh. Có hai cách giải thích cho vấn đề này: Hoặc là các tế bào ung thư là nơi Porphyromonas gingivalis ưa thích ẩn náu để sinh sản, hoặc là nhiễm Porphyromonas gingivalis sẽ đưa đến sự phát triển của bệnh ung thư.
Nếu nguyên nhân đầu tiên là đúng, thuốc kháng sinh sẽ có thể có ích để trị bệnh, hoặc các nhà khoa học có thể phát triển phương pháp tiếp cận điều trị bệnh ung thư thực quản bằng công nghệ gien di truyền để tìm P. Gingivalis và diệt tế bào ung thư. Và nó cũng cho thấy rằng cải thiện vệ sinh răng miệng có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Sàng lọc P. Gingivalis trong mảng bám răng có thể giúp phát hiện người dễ có nguy cơ ung thư, giúp bệnh nhân sớm được phát hiện để điều trị hiệu quả hơn.