Bệnh viện dã chiến rút nhân sự về phục vụ bệnh nhân thường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo số liệu, những ngày gần đây, nhất là sau thời gian TP nới lỏng giãn cách, tình hình dịch bệnh ở TP.HCM có nhiều chuyển biến tích cực với số ca mắc giảm dần và xuất viện tăng cao. Số ca bệnh ở các bệnh viện (BV) dã chiến và khu thu dung F0 ở các quận, huyện đều giảm.

Mong hoàn thành “sứ mệnh”

TS-BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết BV Tai Mũi Họng TP được giao phụ trách BV dã chiến số 10 (TP Thủ Đức) với quy mô 2.500 giường.

Vào thời gian cao điểm, BV tiếp nhận 2.300 bệnh nhân, hiện tại số ca bệnh chỉ còn hơn 800. BV đã huy động 54 nhân viên y tế tham gia điều trị tại đây với sự hỗ trợ của các lực lượng y tế phía Bắc, tình nguyện viên, ban chỉ huy quân sự các địa phương.

Ngoài ra, BV Tai Mũi Họng TP cũng được giao thành lập BV COVID-19 ngay tại trụ sở chính của BV, quy mô 92 giường, tách biệt khu khám điều trị chuyên khoa với 40 nhân viên y tế tham gia.

PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất, cho hay thời gian qua, BV đã cử hơn 200 y bác sĩ tham gia điều trị ở BV dã chiến số 6, số 8; BV hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức). Gần đây, để tập trung phục vụ BV dã chiến đa tầng tại quận Tân Bình, BV đã rút bớt 50 nhân sự về đây, nâng số nhân viên tại BV đa tầng là 300.

Theo PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, nếu như trước đây, số bệnh nhân ở BV dã chiến số 8 có thể từ 4.500 đến 6.000 thì hiện đã giảm hơn một nửa, BV dã chiến đa tầng tại quận Tân Bình (điều trị bệnh nhân vừa và nặng) cũng bắt đầu giảm bệnh nhân nhưng chưa giảm nhiều, vẫn còn xấp xỉ hơn 600 bệnh nhân, số nhập viện khoảng 40 bệnh nhân mỗi ngày. Ở thời gian cao điểm, BV từng tiếp nhận 800 bệnh nhân/1.000 giường và 60-80 bệnh nhân mỗi ngày.

Nhân viên y tế đo nồng độ ôxy trong máu cho bệnh nhân trước khi nhập viện tại BV dã chiến số 12, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Duy trì và lập khoa điều trị COVID-19 tại bệnh viện

Kể từ ngày 1-10, sau thời gian nới lỏng giãn cách, người dân bắt đầu đi khám chữa bệnh đông trở lại, BV Tai Mũi Họng TP cố gắng bố trí nhân sự phục vụ nhu cầu bệnh nhân tăng gấp ba lần. TS-BS Lê Trần Quang Minh cho biết ngày 4-10 đã nhận được văn bản của Sở Y tế đề nghị thành lập Khoa điều trị COVID-19 tại BV với tối thiểu 10% số giường bệnh.

Là BV chuyên khoa ung bướu, thời gian qua, BV Ung bướu TP.HCM cũng điều động 600 nhân sự tham gia điều trị COVID-19 ở BV dã chiến số 1 (TP Thủ Đức), số 2 (quận 12), số 14 (quận 7); BV hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức); chưa kể hỗ trợ các địa phương tiêm vaccine. Con số này chiếm 1/2 tổng số nhân viên của BV.

Dự kiến tình hình bệnh nhân đông trở lại, BV cũng đã lên phương án phòng dịch, đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm, khám và điều trị nhưng TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV, nhìn nhận nhân sự phục vụ vẫn là quan trọng nhất. Với lực lượng hiện chỉ còn 1/2, BS Tuấn lo ngại không phục vụ chu đáo khi bệnh nhân ở tỉnh lên. Do đó, BS Tuấn kỳ vọng Sở Y tế sớm tính toán kế hoạch rút nhân sự ở các BV dã chiến và điều trị COVID-19 về dần khi áp lực bệnh nhân giảm, sớm ổn định nhân sự ở nơi khám chữa bệnh bình thường. Đồng thời, BV cũng có kế hoạch bố trí hai tầng của khu E với quy mô 42 giường làm khoa điều trị COVID-19.

Tại BV Y học cổ truyền TP.HCM, BS CKII Đỗ Tân Khoa, Giám đốc BV này, cho hay thời gian qua, BV đã tăng cường trên dưới 100 nhân sự phục vụ điều trị COVID-19 tại khu thu dung F0 của quận 3, tăng cường nhân lực cho các trạm y tế lưu động ở quận Bình Thạnh, hỗ trợ tiêm vaccine.

BV đang bàn kế hoạch rút dần nhân sự ở các địa phương về để tập trung khám chữa bệnh tại BV, chỗ nào vẫn yêu cầu tăng cường thì BV vẫn tiếp tục sắp xếp nhân sự ở lại. Cùng với đó, BV cũng lập kế hoạch dành tối đa 40% giường bệnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế ở khu điều trị riêng biệt để thu dung và điều trị bệnh COVID-19.

Theo BS Lê Đình Thanh, việc duy trì các BV điều trị COVID-19 đa tầng ở mỗi quận, huyện giúp kịp thời thu dung người bệnh, không cần phải di chuyển xa. BS Thanh nhận định: “Với nguồn nhân lực phân tán, công tác khám chữa bệnh sẽ gặp ít nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cũng hiểu được các BV dã chiến dù thu dung bệnh nhân giảm nhưng số nhân viên phục vụ điều trị vẫn phải đảm bảo nhất định. Do đó, chúng tôi thống nhất kế hoạch rút quân từ từ, đảm bảo công tác điều trị COVID-19, tăng dần số quân ở BV chính để thực hiện khám chữa bệnh bình thường”.

Những tín hiệu khả quan

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc mới trong ngày giảm dần, chỉ còn hơn 2.000 bệnh nhân so với thời gian cao điểm có hơn 5.000 ca/ngày.

Tương tự, số nhập viện và xuất viện tại các cơ sở điều trị cũng trên đà giảm, ngày 3-10 còn hơn 1.600 người nhập viện trong khi có 4.069 ca xuất viện. Số ca bệnh nặng (cần thở máy và thở ôxy) và tử vong ở các tầng điều trị vẫn đang giảm.

Tuy nhiên, số ca bệnh nặng ở tầng 3 vẫn còn cao nên tỉ lệ tử vong ở tầng này sẽ còn dao động ở mức cao nhưng số ca tử vong theo tuần cũng giảm dần. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm