Ngày 4-9, một nguồn tin cho biết VKS và TAND tỉnh Khánh Hòa đang kiểm tra lại toàn bộ quá trình tố tụng vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Quân đội và bị đơn là bà NTBT, ông NMH (ngụ phường Cam Linh, TP Cam Ranh, Khánh Hòa).
Phúc thẩm xong mới biết có kháng nghị
Theo hồ sơ, vụ án trên được TAND TP Cam Ranh, Khánh Hòa xử sơ thẩm ngày 7-3, tuyên buộc bà T. và ông H. phải trả nợ vay hơn 2,4 tỉ đồng gồm tiền gốc và lãi cho Ngân hàng TMCP Quân đội. Sau đó, bà T. - ông H. kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm và xin miễn, giảm án phí.
Tại phiên xử phúc thẩm diễn ra trong hai ngày 27 và 28-7, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên chấp nhận một phần kháng cáo của bà T., ông H, sửa một phần bản án sơ thẩm về án phí; các nội dung khác tòa đều giữ nguyên như bản án sơ thẩm.
Tuy nhiên, sau phiên tòa phúc thẩm, các cơ quan tố tụng tỉnh Khánh Hòa phát hiện ra vụ án này có kháng nghị của VKSND TP Cam Ranh. Điều này có nghĩa khi xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa chỉ xem xét kháng cáo của đương sự chứ không hề biết có kháng nghị của VKS.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Trị, Viện trưởng VKSND TP Cam Ranh, cho biết: “Sau khi có bản án sơ thẩm, chính tôi là người ký bản kháng nghị. Thế nhưng tôi không hiểu sao bản kháng nghị lại không được đưa vô hồ sơ vụ án. Không hiểu vì sao xử phúc thẩm mà không có bản kháng nghị! Khi xử phúc thẩm, cả VKS tỉnh và TAND tỉnh đều không biết bản án sơ thẩm đã bị VKSND TP Cam Ranh kháng nghị chứ không phải một cơ quan. Nếu chỉ TAND tỉnh không biết thì họ nói thế này thế nọ nhưng đằng này VKS cũng không biết. Tôi chưa hiểu vì sao như vậy!”.
Ông Trị nói hiện ông cũng chưa biết bản kháng nghị đến VKS, TAND tỉnh lúc nào, nhận lúc nào, nhận ở đâu. “Chúng tôi đang kiểm tra lại xem việc gửi bản kháng nghị đi khi nào, có lên VKS, tòa tỉnh không mà tại sao y án” - ông Trị nói.
TAND TP Cam Ranh, nơi xử sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng có nhiều bất thường liên quan đến tố tụng. Ảnh: TẤN LỘC
Bản kháng nghị “lưu lạc” ở đâu?
Theo ông Nguyễn Hữu Trị, nội dung bản kháng nghị do ông ký là đề nghị cấp phúc thẩm làm rõ thẩm quyền của người được nguyên đơn ủy quyền trong vụ kiện cùng vấn đề liên quan đến lãi suất cho vay. “VKSND TP Cam Ranh kháng nghị cấp phúc thẩm làm rõ người được Ngân hàng TMCP Quân đội ủy quyền chỉ tham gia tố tụng đòi số tiền nợ hay được các quyền khác. Chúng tôi kiến nghị làm rõ giám đốc chi nhánh ngân hàng tham gia tố tụng trong vụ án này không đòi lãi suất là có trái với quy định của pháp luật không; người được ủy quyền này có quyền cho lãi suất hay không, hay phải do tổng giám đốc ngân hàng quyết định…” - ông Trị thông tin.
Theo bản án phúc thẩm của TAND tỉnh, đại diện VKS tỉnh tại phiên tòa cho rằng việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, HĐXX, thư ký phiên tòa, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng được thực hiện theo đúng quy định của BLTTDS. Kiểm sát viên cũng cho rằng tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ, đúng pháp luật. Từ đó, đại diện VKS tỉnh đề nghị HĐXX giữ nguyên quyết định sơ thẩm.
Vấn đề đặt ra là bản kháng nghị của VKSND TP Cam Ranh đã “lưu lạc” ở đâu, tại sao không có trong hồ sơ vụ án, hay có mà cấp phúc thẩm không thể biết?! Ông Nguyễn Hữu Trị cho biết hiện VKS tỉnh đang kiểm tra việc nhận bản kháng nghị như thế nào, đồng thời chuẩn bị làm việc với VKSND TP Cam Ranh để làm rõ sự việc trên.
Một phiên tòa, hai bản án?
Theo hồ sơ, trong vụ án này, cùng một phiên tòa sơ thẩm nhưng không hiểu sao có đến hai bản án được ban hành. Một bản án tuyên: “Ông NMH và bà NTBT phải thanh toán cho Ngân hàng TMCP Quân đội số tiền nợ từ hai hợp đồng tín dụng là 2.497.361.782 đồng…”. Một bản án khác tuyên: “Ông NMH và bà NTBT phải thanh toán cho Ngân hàng TMCP Quân đội số tiền nợ từ hai hợp đồng tín dụng là 2.489.224.069 đồng…”. Số tiền ở hai bản án này chênh nhau hơn 8,1 triệu đồng.
Khi PV hỏi về việc có hai bản án của cùng một phiên tòa, thẩm phán Ngô Nhị Hồng, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm, không thừa nhận cũng không phủ nhận. Bà Hồng nói chỉ có lãnh đạo TAND TP Cam Ranh mới có quyền phát ngôn việc này.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chánh án TAND TP Cam Ranh, thừa nhận bà đã nghe thông tin hiện nay đang lưu hành hai bản án sơ thẩm xử vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng số 02/2017/KDTM-ST ngày 7-3 của tòa này. “TAND tỉnh đã yêu cầu TAND TP Cam Ranh kiểm tra, báo cáo việc này. Hiện nay, chúng tôi đang thẩm tra, xác minh. Hiện tại trong hồ sơ chỉ có một bản án. Chúng tôi đang kiểm tra bản án kia ban hành như thế nào, ai gửi đi, gửi đến những đâu, mức độ khác biệt ra sao… Do chưa có kết quả chính thống nên chúng tôi chưa thể trả lời cụ thể” - bà Hằng nói.
Nhận định về việc này, Viện trưởng VKSND TP Cam Ranh Nguyễn Hữu Trị nói: “Về nguyên tắc, nếu bản án đã ban hành có sai sót các con số thì tòa án được quyền đính chính nhưng không được làm thay đổi nội dung vụ án. Tuy nhiên, việc đính chính phải bằng một văn bản khác chứ tuyệt đối không được ban hành hai bản án của cùng một phiên tòa như vậy”.
Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên khi có diễn biến mới.
Chưa có câu trả lời về sự bất thường PV đã gặp trực tiếp thẩm phán Nguyễn Hồng Tuấn, Chánh Tòa Kinh tế TAND tỉnh Khánh Hòa, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, để tìm hiểu các vấn đề liên quan. Ông Tuấn chỉ cho biết hiện nay ông đang kiểm tra lại hồ sơ vụ án này. Ông Tuấn cũng nói ông không thể cung cấp thông tin do có quy định về phát ngôn của cơ quan. PV đã liên lạc, đăng ký làm việc với ông Nguyễn Anh, Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa, xung quanh sự việc trên nhưng ông Anh từ chối với lý do bận công tác. Để tìm hiểu rõ hơn những bất thường trong tố tụng vụ án trên, PV cũng đã đăng ký làm việc với lãnh đạo VKSND tỉnh Khánh Hòa nhưng chưa nhận được câu trả lời. PV nhiều lần liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng VKS tỉnh, nhưng ông Minh không nghe máy. |