Ngày 4-3, TAND TP.HCM xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan, tiếp tục với phần nói lời sau cùng của các bị cáo.
Xin cho cô mình thoát án tử hình
Trình bày trước HĐXX, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu của bị cáo Trương Mỹ Lan) cho biết, trong suốt những tháng qua, bị cáo đã học được nhiều bài học quý giá và những bài học quý giá nhất chỉ có thể học qua khổ đau. Sau tất cả bị cáo sẽ cống hiến hơn nữa và trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Như câu nói “không ai tắm hai lần trên một dòng sông…”.
Bị cáo Vân xin HĐXX xem xét hành vi, hoàn cảnh phạm tội và tất cả giá trị phẩm chất và mở rộng lòng khoan dung với tất cả các bị cáo; đặc biệt là những bị cáo phụ thuộc, nghe theo chỉ đạo cấp trên, các bị cáo lạc lõng khi mất lãnh đạo.
“Khi theo dõi lời sau cùng của bà Trương Mỹ Lan là cô của bị cáo, một người được mệnh danh là người phụ nữ không có nước mắt, tinh thần thép nhưng gần như đã tan nát cõi lòng khi đứng trước HĐXX. Bị cáo kính mong HĐXX mở lòng độ lượng, xem xét cho số phận pháp lý của cô bị cáo. Có thể cô bị cáo có những phương thức kinh doanh cá biệt, làm biến động tiêu cực, nhưng những gì bị cáo nghe trong suốt phiên tòa không giống như Trương Mỹ Lan mà bị cáo được biết”, bị cáo Vân trình bày.
Theo bị cáo Vân, cô của bị cáo là người nhân từ nhất mà bị cáo được biết và là người dạy bị cáo sống phải biết điều, biết yêu thương con người và sau tất cả phải biết thượng tôn pháp luật. “Xin HĐXX cho Trương Mỹ Lan thoát khỏi cái chết đang chực chờ để tập trung trí lực giải quyết hậu quả vụ án”, bị cáo Vân bật khóc.
"Gia đình tan nát"
Trình bày lời sau cùng, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng Trương Mỹ Lan) cho biết, đến tận giờ phút này, dù hết sức bình tĩnh nhưng bị cáo vẫn không tin vào ác mộng mà gia đình đang gánh chịu.
“Dù không biết tiếng Việt, trong suốt quá trình xét xử, tôi có cảm giác vợ tôi phải chịu trách nhiệm tất cả cho những sai phạm dù là sai phạm nhỏ nhất tại SCB. Cảm giác xót xa với người vợ tào khang khiến tôi rất đau lòng”, ông Cơ nói.
Bị cáo Cơ trình bày, nếu như ngày trước sát cánh cùng vợ và hiểu được rủi ro thì ông đã can ngăn vợ tham gia vào cuộc giải cứu ngân hàng, dù đó là lời kêu gọi từ ai, thì gia đình ông sẽ không rơi vào tấn bi kịch kinh hoàng.
Bị cáo Cơ cho biết, bản thân là doanh nhân nước ngoài. Khi đến Việt Nam, ông gặp duyên với bị cáo Trương Mỹ Lan, sinh những đứa con ngoan hiền và nghĩ thể yên ổn cống hiến quê hương thứ hai của mình. Nhưng vì nước đi sai lầm, gia đình bị cáo đã rơi vòng tù tội, với mức hình phạt nghiêm khắc và gần như mất hết gia sản.
Theo bị cáo Chu Lập Cơ, tòa nhà Time Square là tâm huyết, đứa con tinh thần nhưng khi vợ cần, ông vẫn đưa vào SCB cho việc tái cơ cấu và không nghĩ việc làm ý nghĩa này đã đem lại hậu quả khôn lường cho gia đình. “Vợ tôi như con thiêu thân lao vào giông bão mà không biết được bao nguy hiểm đang đón chờ mình và gia đình”, ông Cơ nói. Cạnh đó, bị cáo Cơ và gia đình đã có nhiều cống hiến trong đợt dịch COVID-19.
Bị cáo Cơ trình bày, đã vô tình trở thành đồng phạm trong vụ án. Xin HĐXX xem xét cho vợ bị cáo được sống và cháu là Trương Huệ Vân sớm trở về với gia đình, lo cho con cái.
“Mong HĐXX cho tôi hưởng mức án nhẹ nhất vì quỹ thời gian của tôi còn rất ít, tôi đã có tuổi và các con tôi còn quá non nớt, chưa đủ kinh nghiệm. Tôi cũng mong muốn gửi lời xin lỗi từ tận trái tim đến vợ, khi để vợ đơn độc và phải tự đưa ra những quyết định trong quá trình kinh doanh lâu dài. Mong người vợ tào khang thấu hiểu cho tôi”, bị cáo Cơ nói.
Nhiều cảm xúc, tâm trạng
Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc công ty Tường Việt) trình bày, cảm ơn quý viện nhìn nhận và ghi nhận để giảm nhẹ cho bị cáo. Bị cáo nhận thức được việc làm của mình là sai, đã ăn năn hối cải, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra. “Vì sự chủ quan dẫn đến hành vi phạm tội chứ bị cáo không cố ý. Xin HĐXX khoan hồng để bị cáo sớm trở về với gia đình, xã hội”, bị cáo Trước khóc và nói.
Bị cáo Trước cũng xin giảm nhẹ cho Cao Việt Dũng để sớm trở về điều hành công ty, vì công ty là đứa con tinh thần của bị cáo và bị cáo Dũng.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) trình bày, sau phiên xét xử bị cáo đã tâm phục khẩu phục. Cảm ơn HĐXX đã tạo điều kiện cho bị cáo và luật sư trình bày, tìm ra sự thật của vụ án. Xin HĐXX khoan dung với các bị cáo đối với cán bộ đoàn thanh tra, thành viên thuộc SCB vì sự việc của SCB mà rơi vào vòng lao lý.
Theo lời bị cáo Văn, thời điểm thanh tra là giai đoạn bắt đầu năm học mới. Cuối tuần, đoàn thanh tra thường về Hà Nội để chăm con. Quá trình thanh tra, đoàn thanh tra không nhận gì từ SCB.
“Bị cáo không nghĩ việc đưa tiền là vi phạm pháp luật và nghĩ đó chỉ là chia sẻ. Bị cáo gửi lời xin lỗi đến đoàn thanh tra vì bị cáo đã có sai lầm gây liên lụy đến các anh, chị”, bị cáo Văn nói. Đồng thời, xin HĐXX lưu tâm đến bị cáo Đỗ Thị Nhàn và phần trình bày bào chữa của bị cáo Nhàn.
Đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo Văn cho biết, tập đoàn Vạn Thịnh Phát là tập đoàn lớn vươn tầm thế giới và đóng góp GDP của đất nước; góp vắc xin phòng. Bị cáo Văn xin HĐXX xem xét cho bị cáo Lan và các bị cáo tại Vạn Thịnh Phát.
“Những việc xảy ra trong thời gian qua đã đem đến cho bị cáo bài học về sự thượng tôn pháp luật. Dù việc mình làm có tốt đẹp nhưng không thượng tôn pháp luật thì sẽ ảnh hưởng đến tập thể và cá nhân. Bị cáo phải trả giá bằng sự tự do của mình và nỗi đau của gia đình”, bị cáo Văn nói.
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB) cho biết, bản thân xem SCB như ngôi nhà thứ hai với hi vọng SCB luôn tồn tại và phát triển. Bị cáo Dung cảm thấy rất may mắn khi 300 nhân viên SCB làm việc dưới quyền của bị cáo không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bị cáo làm việc không hưởng lợi và khi nhận ra sai lầm, bị cáo đã nghỉ việc. Từ khi sự việc xảy ra, bị cáo luôn ân hận vì nhận thức nông nỗi của mình. Xin HĐXX xem xét và giảm nhẹ mức án cho các bị cáo cùng các bị cáo thuộc SCB, công ty thẩm định giá và đoàn thanh tra.