Bí kíp dễ nhớ, lâu quên của các học sinh giỏi sử quốc gia

(Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

(Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Đó là những “mẹo” để học môn lịch sử dễ dàng hơn được các học sinh giỏi đoạt quốc gia môn lịch sử chia sẻ tại Lễ tuyên dương và trao thưởng cho các học sinh giỏi đoạt giải quốc gia môn lịch sử được tổ chức sáng nay, ngày 23/4, tại Hà Nội.

Đơn giản hóa những con số

Thừa nhận chương trình môn sử có nặng nội dung với nhiều số liệu và thiếu hình ảnh, nhưng các em học sinh đều cho biết, nếu thực sự nắm được các vấn đề trong bài và biết cách học thì ôn sử không quá khó.
Trần Phương Thúy, học sinh trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) là một trong 6 học sinh đoạt giải nhất môn lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2013-2014. Thúy cho biết, từ nhỏ em đã được bà ngoại kể cho nghe những câu chuyện về các anh hùng dân tộc. Tình yêu với lịch sử đã được ươm mầm khi Thúy chỉ 4, 5 tuổi. 

Thích học sử, ngoài sách giáo khoa, Thúy còn tìm hiểu thêm các tài liệu tham khảo, nhất là các mẩu chuyện lịch sử. Theo Thúy, cách học này vừa giúp kiến thức lịch sử của em thêm phong phú, vừa khiến cho môn sử sinh động hơn, dễ nhớ hơn.

Để nhớ các mốc sự kiện, những số liệu, Thúy cho biết, em thường gắn với những điều quen thuộc trong cuộc sống như ngày sinh nhật của người thân, bạn bè, ngày lễ Tết… 
Đây cũng là cách Trần Thị Thu Thủy, cô bạn cùng lớp với Thúy và cũng đoạt giải nhất kỳ thi quốc gia môn lịch sử, áp dụng. Bên cạnh đó, Thủy còn ghi các mốc sự kiện lên giấy và dán khắp phòng học để luôn nhìn thấy và lâu quên.
Còn Trương Thị Huệ Nhi, học sinh lớp 12A8, trường trung học phổ thông Hậu Lộc 1, tỉnh Thanh Hóa, đoạt giải 3 kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn sử, lại sử dụng cách xâu chuỗi các sự kiện. Theo Nhi, các số liệu nếu để tách riêng độc lập sẽ rất khó nhớ và dễ nhầm lẫn. Vì thế, em thường gắn mốc thời gian, số liệu đó với sự kiện, vấn đề khác có liên quan. “Ví dụ như đặt ra một bảng so sánh cùng ở thời điểm đó thì lịch sử Việt Nam diễn ra sự kiện gì, lịch sử thế giới có biến động gì. Cách học này vừa giúp dễ nhớ số liệu, vừa giúp cho kiến thức thêm tính hệ thống,” Nhi chia sẻ.
Bí kíp dễ nhớ, lâu quên của các học sinh giỏi sử quốc gia ảnh 2Em Trần Phương Thúy vui vẻ chia sẻ về bí quyết học sử. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Vạch ý chính theo sơ đồ

Cùng với việc nhớ được các số liệu chuẩn xác thì nắm được kiến thức lịch sử một cách hệ thống cũng là thách thức với rất nhiều học sinh.
Theo Trương Thị Huệ Nhi, đa số các học sinh không thích sử có lẽ vì chưa biết cách học. “Nhiều bạn nghĩ muốn giỏi sử phải học thuộc, kiến thức sử dài và khó nhớ, nhưng theo em, khi hiểu sâu được nội dung thì vấn đề trở nên đơn giản. Học sử cũng có công thức. Em thường tìm ý chính, sau đó tìm ra các ý nhỏ hơn,” Nhi chia sẻ.
Cô học trò xứ Thanh đưa ra ví dụ cụ thể, chẳng hạn như học về sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thì phải hiểu các vấn đề liên quan như hoàn cảnh lịch sử, nguyên nhân để thành lập Đảng vào thời điểm đó mà không phải thời điểm khác, việc thành lập Đảng có vai trò, tác động gì đến các sự kiện tiếp theo… 
“Nếu chỉ học thuộc mà không hiểu thì sẽ nhanh quên. Với cách học này, em nắm chắc vấn đề mà không cần đầu tư quá nhiều thời gian vào học thuộc,” Nhi vui vẻ nói.
Học theo hệ thống cũng là bí quyết củ Trần Thị Thu Thủy. Thủy cho biết, em luôn ghi nhớ các sự kiện, học theo các chủ đề xuyên suốt chiều dài lịch sử để so sánh giữa các thời kỳ. Để hiểu thêm về nội dung bài học, em thường tự phát hiện và tìm cách giải quyết vấn đề, tự đặt câu hỏi và tìm ra câu trả lời để tạo được hứng thú khi học. 
Bí kíp dễ nhớ, lâu quên của các học sinh giỏi sử quốc gia ảnh 3Nguyễn Thị Hoàng Anh chọn học sử bằng bản đồ tư duy. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Cùng phương pháp học này, Nguyễn Thị Hoàng Anh, lớp 12C2, trường trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An chia sẻ, em luôn chọn sơ đồ hình cây, học theo bản đồ tư duy. 
“Để học tốt môn sử phải nắm được kiến thức cơ bản và các ý chính trong bài giảng của giáo viên trên lớp. Khi ôn bài ở nhà, em thường gạch các ý chính và học theo đó. Từ các ý chính tìm ra các ý nhỏ liên quan. Kiến thức khi đó sẽ thành một chuỗi thống nhất, logic với nhau nên dễ nhớ hơn,” Hoàng Anh chia sẻ.

Vẫn theo nghiệp sử

Yêu sử, các em học sinh được phỏng vấn đều cho biết sẽ theo nghiệp sử trong tương lai. Em Nguyễn Thị Hoàng Anh dự định chọn trường Học viện An ninh nhân dân, chuyên ngành xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước. Nguyễn Thị Anh (học sinh trường trung học phổ thông Mỹ Đức A, Hà Nội, đoạt giải nhất) đang phân vân giữa khoa Lịch sử của Đại học Sư phạm hà Nội và khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 
Em Trương Thị Huệ Nhi thậm chí còn định hướng sẵn công việc trong tương lai là nghiên cứu lịch sử Đảng. “Em đang có hai phương án là thi vào khoa Lịch sử của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc là khoa Xây dựng Đảng cảu Học viện Báo chí và Tuyên truyền,” Nhi chia sẻ.
Không phân vân như Nhi, Trần Phương Thúy đã quyết định “đầu quân” vào khoa Lịch sử của Đại học Sư phạm Hà Nội.

“Em cũng đã nghĩ đến việc theo học môn sử sau này có thể khó xin việc hoặc thu nhập không cao nhưng đổi lại, em sẽ được theo niềm đam mê của mình,” Thúy vui vẻ nói./.


Theo Phạm Mai (Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm