Những hình thức mạo danh, hack tài khoản mạng xã hội, lừa đảo qua điện thoại khiến nhiều nạn nhân sập bẫy. Dù hiện nay người dân đã được tuyên truyền và nắm bắt các trường hợp để cảnh giác, thế nhưng các đối tượng lừa đảo vẫn rất tinh vi, chúng liên tục tung ra những chiêu trò mới.
Mới đây nhất là hình thức người dân nhận được cuộc gọi, nghe được giọng nói và thấy được hình ảnh qua cuộc gọi thể hiện hình ảnh (video call) của người thân nhưng vẫn bị lừa tiền bởi vì đó là do công nghệ thực hiện, không phải người thật.
Lợi dụng công nghệ giả làm chủ tài khoản
Chị NHTA, ngụ tỉnh Vĩnh Long cho biết cách đây một tháng chị nhận được tin nhắn Messenger của chị gái nhờ chuyển khoản giúp. Nhận thấy bất thường vì chị gái không bao giờ nhờ chuyển khoản như thế nên chị A cẩn thận gọi điện video call thấy mặt của chị gái để kiểm tra lại. Đầu dây bên kia bắt máy hiện rõ hình ảnh của chủ tài khoản, nhưng chỉ vài giây sau cuộc điện thoại bị tắt vì mạng kém.
"Sau khi xác nhận là chị của mình nên tôi không ngần ngại chuyển khoản theo thông tin mà chị đã gửi. Một lúc sau, chị tôi gọi điện cho tôi bằng số điện thoại để trao đổi một số vấn đề, khi đó tôi đã có nhắc đến việc mình vừa chuyển khoản. Chị tôi lúc này mới nhận ra tài khoản đã bị kẻ gian hack và tôi đã bị lừa", chị A nói.
Tương tự, chị QHHY, sống tại TP.HCM cũng nhận được tin nhắn của anh họ trên Messenger nhờ vay tiền. Vì số tiền 5 triệu đồng khá lớn và một phần cũng nghi ngờ anh họ bị hack nick nên chị Y đã gọi video call để kiểm tra.
"Đúng là hình ảnh của anh tôi. Tuy nhiên, đường truyền không ổn định khiến âm thanh chập chờn rồi bị ngắt. Tài khoản của anh họ tiếp tục gửi tin nhắn yêu cầu gửi tiền vì đang cần gấp. Nghĩ đến anh họ có việc nên mới nhờ vả, tôi đã chuyển số tiền 5 triệu đồng vào tài khoản yêu cầu. Đến tối, thấy anh họ đăng bài thông báo tài khoản bị kẻ gian hack, tôi mới biết mình bị lừa", chị Y bức xúc.
Cách cảnh giác
Hiện nay công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI giúp ích được rất nhiều trong đời sống. Tuy nhiên, kẻ xấu đã lợi dụng công nghệ AI đó để tạo ra hình ảnh, giọng nói sao chép của người thật. Chúng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội rồi nghiên cứu tin nhắn, cách xưng hô, lịch sử giao dịch... để tạo ra những cuộc gọi giả lừa tiền người thân, gia đình của tài khoản bị hack. Đã có rất nhiều vụ việc tương tự trên thế giới và hiện ở Việt Nam cũng đã xuất hiện.
Điểm chung của những thủ đoạn trên là tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu, người thân phạm tội bị cơ quan chính quyền giam giữ đang cần tiền để giải quyết, gặp khó khăn trong công việc cần một khoản tiền để giải quyết nhanh rồi sẽ trả lại sau...
Đặc điểm những cuộc gọi như vậy thường có tín hiệu không ổn định, hình ảnh không rõ mặc dù vẫn mang những nét tương đồng hoặc giọng nói của người đó và cách xưng hô quen thuộc.
Khi gặp những tình huống như vậy mọi người cần phải bình tĩnh. Sau đó, cố gắng xác minh từ những nguồn khác như gọi điện qua số điện thoại di động, hỏi những người đang ở gần với người yêu cầu chuyển tiền. Hoặc xác minh từ chính những bệnh viện, từ những cơ quan công an, nhà trường tuỳ theo cuộc gọi trình bày lý do cần tiền.
Nên thấy và gặp trực tiếp người yêu cầu, tiếp cận nhanh nhất tới hiện trường, địa điểm xảy ra nếu có thể.
Đây là thủ đoạn mới và rất tinh vi. Mọi người nâng cao cảnh giác và chia sẻ đến người thân bạn bè để nắm và phòng ngừa.