Ngày 1-9, tỉnh Đồng Nai đã có cuộc họp giao ban với các địa phương về về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tham dự cuộc họp có Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phan Huy Anh Vũ, cho biết tính đến nay toàn tỉnh có 24.620 ca nhiễm COVID-19, hơn 10.500 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong do COVID-19 là 210 ca.
Cũng theo ông Vũ, ngày 1-9, TP Biên Hòa và các huyện bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 7 với tổng số 700.000 ngàn liều vaccine.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng vừa nhận được vaccine đợt 8, Sở sẽ nhanh chóng triển khai tiêm, phấn đấu trong tháng 9 đạt 70-80% dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị tất cả nguồn hàng, nguồn lực giúp cho dân không được giữ lại một xu, một hạt gạo nào. Ảnh: VH
Về xét nghiệm diện rộng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai Bạch Thái Bình, cho biết từ ngày 18 đến ngày 31-8, toàn tỉnh có trên 2,8 triệu lượt người được xét nghiệm. Thông qua xét nghiệm diện rộng đã phát hiện gần 3.000 ca nhiễm COVID-19 trong các khu phong tỏa và 62 ca nhiễm trong cộng đồng.
Việc bóc tách, cách ly sớm các ca F0 và F1 nguy cơ cao đã làm giảm nhanh nguồn lây tại cộng đồng, góp phần hạn chế nguy cơ lây lan. Đồng thời, thông qua xét nghiệm diện rộng cũng giúp đánh giá được nguy cơ và tình hình kiểm soát nguồn lây trên phạm vi toàn tỉnh.
Liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng các địa phương tiếp tục duy trì ở mức độ cao nhất nhằm đảm bảo đời sống cho người dân. Những việc nào vượt quá khá năng của địa phương phải phản ánh ngay về tỉnh để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
“Thời gian qua có một số trường hợp cầu cứu qua các số điện thoại đường dây nóng hoặc trên mạng xã hội nhưng khi lực lượng chức năng xác minh thì không đúng với thực tế. Tuy nhiên, chúng ta cần cảnh giác cao độ, vì biết đâu người dân cần hỗ trợ thật. Vì vậy số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ về y tế, an sinh xã hội phải trực 24/24, không để tình trạng gọi hỗ trợ mà không có người nghe máy” - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói thêm.
Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng lưu ý các địa phương được bổ sung Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 thì khẩn trương chuyển chế độ hỗ trợ đến tay người dân, càng sớm càng tốt để người dân yên tâm chấp hành công tác phòng, chống dịch.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đánh giá cao công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự trong thời gian qua. Ông hoan nghênh lực lượng quân sự, mặt trận và các đoàn thể, thời gian qua đã có nhiều hoạt động hướng về lực lượng tuyến đầu, hướng về người dân vừa đảm bảo an sinh vừa đảm bảo sức khỏe cho lực lượng tuyến đầu.
"Thường có tâm lý cơ quan được nhận tài trợ không bao giờ chuyển hết muốn giữ lại một ít, trên tỉnh cũng vậy, vệ huyện/thành phố giữ lại một ít, về xã/phường giữ lại một ít, về đến thôn/ấp giữ lại một ít, về tổ dân phố giữ lại một ít thì về tới dân không còn bao nhiêu" - ông Lĩnh nhấn mạnh.
Ông cho rằng như vậy là không được và đề nghị tất cả nguồn hàng, nguồn lực giúp cho dân thì từ tỉnh, huyện/thành phố, xã/phường, khu phố/ấp chuyển ngay về cho dân không được giữ lại một xu, một hạt gạo nào.
"Người dân đang cần không giữ lại, đưa ngay về cho dân. Giữ trong nhà dân để họ vượt qua khó khăn hơn là giữ tại các kho của chính quyền địa phương" - Bí thư Tỉnh ủy đề nghị
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng yêu cầu các địa phương phải kiểm soát hộ nào có rồi, hộ nào chưa có để tính toán hỗ trợ. Việc này đề nghị tất cả lực lượng công an khu vực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể nắm rõ từng hoàn cảnh để kịp thời trợ giúp.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện phải kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra tiêu cực, lúc này công tâm là quan trọng đừng để người dân phản ánh.