Bí thư Hà Nội lý giải việc TP tạm dừng một số dịch vụ

Chiều ngày 12-7, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã thông tin với báo về lý do Hà Nội quyết định tạm dừng một số dịch vụ, hoạt động ngoài trời từ 0 giờ ngày 13-7.

Ông cho hay, thời gian qua với sự nỗ lực của các cấp, ý thức tự giác, ủng hộ của người dân, Hà Nội đã kiểm soát tốt đợt dịch bùng phát từ ngày 27-4 tới nay. Tuy nhiên từ ngày 5-7, sau gần 10 ngày Hà Nội lại tái xuất hiện các ca bệnh ngoài cộng đồng, nguy cơ dịch bệnh tăng lên do đó Hà Nội quyết định tạm dừng các dịch vụ, hoạt động ngoài trời vừa được nới lỏng ít ngày.

Ông cho hay, trước diễn biến phức tạp từ các vùng dịch cũng như liên tiếp những ngày qua Hà Nội phát hiện các ca nhiễm mới từ vùng dịch về, nhiều ca liên quan đến hàng, quán dịch vụ. Vì sự an toàn, sức khoẻ của người dân và nhằm kiểm soát kịp thời tình hình dịch bệnh, Thường trực Thành ủy đã thống nhất giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo triển khai các biện pháp điều chỉnh hoạt động các hoạt động xã hội, kinh doanh, dịch vụ, nhà hàng phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch đang đặt ra; khẩn trương, nghiêm khắc thực hiện các biện pháp tạm dừng hoặc điều chỉnh cách thức, thời gian hoạt động của một số dịch vụ trên địa bàn. 

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đi kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại cơ sở. Ảnh: TP

 “Với nguy cơ lây nhiễm ngày càng cao như hiện nay, đây là biện pháp quan trọng để ngăn chặn, không để dịch bùng phát, lây lan rộng. Mức độ và quy mô tạm dừng hoặc đóng các dịch vụ có thể phải tăng lên cấp độ cao hơn nếu dịch tiếp tục diễn biến xấu. Ngược lại, khi nào tình hình được kiểm soát, bảo đảm các điều kiện an toàn cho người dân, thành phố sẽ lại nới lỏng trở lại. Trong mọi tình huống, các biện pháp phải nhằm ưu tiên và bảo đảm hiệu quả chống dịch cao nhất và giảm thiểu thiệt hại cho người dân”, ông Dũng nói.

Ông cũng đề nghị các cấp của TP tập trung ưu tiên cao nhất, nêu cao trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Cán bộ, đảng viên phải đi đầu nêu gương trong công tác phòng chống dịch. 

Từ 0 giờ ngày 13-7, Hà Nội yêu cầu dịch vụ cắt tóc, gội đầu đóng cửa. Ảnh: TP

Ông cũng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là yêu cầu người dân từ TP.HCM, hoặc các vùng dịch khác hoặc có tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nêu trên phải khai báo đầy đủ trung thực qua website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone, phải có giấy xét nghiệm âm tính vi rút SARS-CoV-2 tối đa 3 ngày trước khi trở lại thành phố; các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng đi vào các địa bàn có dịch nêu trên vẫn phải thực hiện xét nghiệm trước khi trở lại TP. 

TP cũng giao lực lượng chức năng triển khai các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn, đường ngang, ngõ tắt, đường nhánh, bến thủy nội địa, các bến tàu, bến xe liên tỉnh vào TP và tại Cụm cảng hàng không miền Bắc. Qua đó, kiểm soát toàn bộ người, phương tiện ra, vào thành phố tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố; kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc chủ động với toàn bộ người từ các tỉnh, thành phố khác trở về thành phố, bảo đảm hạn chế tối đa mầm bệnh xâm nhập.

“Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của các tổ Covid cộng đồng, tăng cường giám sát, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, bảo đảm không để lọt ca nhiễm từ vùng dịch về; phối hợp với các lực lượng tuyến đầu thần tốc truy vết, khoanh vùng kịp thời khi phát hiện ca nghi nhiễm. Tất cả phải vì mục tiêu kiểm soát dịch thật nhanh, không để dịch bùng phát” - Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.