Ông Thiện Nhân cho biết trong những năm qua giáo dục TP.HCM đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Giáo dục mầm non là lĩnh vực thành phố có những phát triển mang tính đột phá được sự quan tâm đặc biệt của chính sách. Cụ thể trẻ 5 tuổi, 99% đều đi học, trẻ 4-5 tuổi không phải đối tượng phổ cập nhưng đã chiếm 95%, hơn 95% trẻ 3-4 tuổi đã đi học.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.
Theo ông Nhân, thành phố có Nghị quyết 01, Nghị quyết 133, Nghị quyết 04 để hỗ trợ thu nhập cho giáo viên ở bậc mầm non. Và đặc biệt, thành phố đã thử nghiệm mô hình tiên tiến tuy chưa được nhiều nhưng cũng có 11 trường tiên tiến. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã nhận trẻ 6 tháng – 18 tháng. Hiện 201 trường nhận từ 6 tháng trở lên. Mặt khác, 49% trường mầm non được đánh giá ngoài về chất lượng.
Về khối phổ thông đang chuyển động theo hướng chuẩn hóa giáo dục phổ thông, vượt chuẩn về giáo viên, hiện đại hóa về chương trình và từng bước quốc tế hóa.
Theo ông Nhân, do trường lớp ít nên tiểu học bình quân 44 cháu/lớp học, nhưng học 2 buổi/ngày ở tiểu học hiện chiếm 72%. Về tiếng Anh, 90% đã học tiếng Anh, riêng lớp 1 năm học mới là 100% học tiếng Anh. Khối giáo dục phổ thông được chuẩn hóa.
Trong giáo dục đại học, 78% tốt nghiệp có việc làm. Tuy nhiên thành phố còn gặp một khó khăn, các trường muốn di dời, dù đã có quy hoạch nhưng triển khai còn chậm. Đất cho các khu vực đại học còn khó.
Về vấn đề đầu tư, chi phí đầu tư cho giáo dục chiếm 25% ngân sách thường xuyên thành phố.
Về vấn đề thi cử, ông Nhân nói: "Thực tế TP.HCM có truyền thống thi nghiêm túc. Mà chính nhờ thi nghiêm túc đã góp phần đảm bảo chất lượng giáo lượng. Qua thực tiễn 5 năm, tôi thấy học phải thi, không thi mất động lực học, không thi không biết người ngoài so sánh với mình như thế nào. Học phải tổ chức thi".
"Hiện nay, chúng ta đang tiến hành kỳ thi 2 trong 1. Tôi nghĩ nên giữ như vậy nhưng làm thế nào thi nghiêm túc, khắc phục yếu kém. Đặc biệt đối với thi trắc nghiệm thì tính đại diện, bình quân, độ khó phải đồng đều. Nếu không đồng đều sẽ thành vấn đề vì điểm thi các năm khác nhau, chênh lệch quá học sinh sẽ lo lắng.
"Theo tôi, chuẩn bị đề thi trắc nghiệm nên gia cố hơn nữa, phải có một kho lớn hơn nữa và phải được kiểm tra trước khi thi. Còn về sai sót vừa qua trong kỳ thi, tôi nghĩ nên có một hội nghị 5 năm đánh giá về vấn đề thi cử từ nghị quyết 29 đến giờ. Làm như vậy để thấy 5 năm qua đã cải tiến thi cử ra sao, kết quả đạt được như thế nào. Còn tinh thần chung học phải thi, thi nhiều sẽ bất tiện, tốn chi phí cho nên tôi đồng tình với kỳ thi kết hợp nhiều mục đích" - Bí thư Nhân nhấn mạnh.
Ông Nhân cũng cho biết, dân chủ trong nhà trường rất quan trọng. Tại nước ngoài, vấn đề người học tham gia vào quá trình đào tạo đã được thực hiện lâu rồi. Thiết nghĩ trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT nên đẩy mạnh vấn đề này.
Về chuẩn nhà trường, nên chăng xem lại tiêu chí về đất đai, diện tích. Bởi tất cả chỉ là công cụ trong khi đó chất lượng học sinh mới là tiêu chí quan trọng nhất.
Tại buổi làm việc, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: "Cách đây 2 năm, ngày 29-7-2016, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã làm việc rất cụ thể với lãnh đạo TP.HCM về vấn đề giáo dục đào tạo và đã có kết luận. Giờ chúng tôi rà soát lại có rất nhiều việc chúng ta đã cam kết và bây giờ đã thực hiện được kết quả và một số việc chưa có kết quả. Chúng tôi có cơ hội tìm hiểu thêm, lắng nghe, tiếp thu và sau đây tiếp tục cùng các địa phương khác để chúng tôi có đánh giá báo cáo tổng kết, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Tôi mong muốn các đồng chí trên cơ sở báo cáo có những điểm chốt và đặc biệt so sánh giữa năm 2013 ban hành nghị quyết và năm 2018 là sơ kết đã đạt được, còn những gì chưa làm được, nguyên nhân sao”.