Từ vụ gian lận điểm ở Hà Giang: Nên xem lại cách thi cử

Qua vụ Hà Giang, nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá lại kỹ hơn về kỳ thi “hai trong một” kết hợp xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển CĐ, ĐH để việc thi cử nhẹ nhàng, ít tốn kém và giảm thiểu tiêu cực. Dưới đây là góp ý của các nhà giáo, chuyên gia giáo dục về vấn đề này.

GS-TS NGUYỄN TẤN PHÁT, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT:

Nên xét tốt nghiệp từ kết quả ba năm THPT

GS-TS NGUYỄN TẤN PHÁT

Từ sự việc ở Hà Giang cho thấy việc để các địa phương tự chấm thi là dễ có kẽ hở của gian lận. Cho nên nếu thực hiện việc chấm thi chéo giữa các tỉnh, khả năng gian lận trong thi cử sẽ khó hơn (nhưng không đồng nghĩa sẽ chấm dứt hoàn toàn tình trạng gian lận).

Thật ra việc tổ chức chấm chéo giữa các tỉnh đã được Bộ GD&ĐT thực hiện từ nhiều năm trước nhưng do tốn kém, ồn ào, phức tạp cho nên Bộ GD&ĐT mới giao quyền tổ chức thi cho các Sở GD&ĐT.

Tôi cũng từng thử nêu ra giải pháp. Đó là thay vì tổ chức một kỳ thi nặng nề, áp lực như hiện nay, Bộ GD&ĐT có thể căn cứ vào kết quả ba năm THPT để xét tốt nghiệp cũng như xét vào ĐH, CĐ. Những học sinh nào đạt học lực trung bình khá trở lên được xét tốt nghiệp. Các trường ĐH có thể dựa vào kết quả trên kết hợp với một số tiêu chí phụ của trường mình để tuyển sinh. Còn số học sinh có học lực trung bình trở xuống có thể tổ chức cuộc thi nhẹ nhàng để các em được công nhận tốt nghiệp, từ đó theo năng lực của mình, các em có thể đăng ký học nghề, vào CĐ hoặc vào cả ĐH nếu kết quả cao, ĐH còn chỉ tiêu.

Nhưng giải pháp này vẫn dễ dẫn đến tình trạng bệnh thành tích trong giáo dục. Tuy nhiên, một học sinh yếu phải chạy điểm liên tục suốt cả ba năm và phải qua tay rất nhiều thầy cô ở nhiều bộ môn cũng không phải dễ. Còn đối với Bộ, để đảm bảo sự công bằng, khách quan thì cần có sự kiểm tra chặt chẽ, hậu kiểm rõ ràng.

PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM:

Mạnh dạn giao quyền cho các trường ĐH

PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG

Hiện nay, việc tổ chức thi THPT quốc gia, nhất là khâu chấm thi, đã giao cho các Sở GD&ĐT tổ chức. Và đây chính là kẽ hở để tạo ra sự gian lận trong thi cử. Các địa phương có thể muốn con em địa phương mình có điều kiện thuận lợi hơn các địa phương khác. Đây là chuyện “thường ngày ở huyện” và rất tiếc lần này lại xảy ra ở Hà Giang.

Việc tổ chức chấm chéo giữa các địa phương cũng đã được thực hiện trong vài năm khi còn kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây. Tuy nhiên, năm 2011 đã phát hiện “liên minh ma quỷ” của nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long nên sau đó Bộ GD&ĐT đã không tổ chức.

Bây giờ, để tránh gian lận nên quay về thời điểm cách đây hai năm, khi đó việc tổ chức coi thi và chấm thi giao toàn quyền cho các trường ĐH. Thời điểm đó, khi các trường ĐH chủ trì không để xảy ra sự cố gì và luôn công bằng, khách quan, vì các trường ĐH không có mối quan hệ với địa phương cụ thể nào.

Tôi ủng hộ việc tổ chức kỳ thi tại trường, thi ngay địa phương của các em, như thế sẽ đỡ tốn kém nhưng nên giao cho các trường ĐH chủ trì việc coi thi và chấm thi luôn.

Bên cạnh đó, cũng cần đưa ra những giải pháp công nghệ để hạn chế tiêu cực. Sự việc ở Hà Giang là do họ tẩy phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu trả lời trắc nghiệm có một kẽ hở rất lớn là tô bằng chì cho nên dễ dàng tẩy và tô lại được, không ai có thể phát hiện được. Vì thế, có thể trước khi thí sinh nộp bài có thể dùng một tờ giấy bóng dán lên giống như niêm phong các phương án đã chọn và không gỡ ra được. Như thế sẽ hạn chế việc tô lại đáp án, sửa chữa bài thi.

Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đang trả lời báo chí vào chiều 18-7 xung quanh điểm thi cao bất thường của tỉnh này. Ảnh: BHP

GS TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH, ĐH Utah, Mỹ:

Cần xem lại mục tiêu kỳ thi “hai trong một”

GS TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH

Mỗi lần tổ chức thi cử, tôi đều thấy có vấn đề. Sự việc vừa diễn ra tại Hà Giang cho thấy Bộ GD&ĐT cần đánh giá lại mục tiêu của kỳ thi là gì. Hiện tại nó phục vụ cho cả tuyển sinh ĐH và tốt nghiệp phổ thông. Rất khó để đáp ứng cùng lúc hai mục tiêu.

Chúng ta cần phải xem xét tốt nghiệp THPT đánh dấu điều gì cho con người và xã hội. Con người có trình độ phổ thông là con người như thế nào. Có khả năng gì. Và trình độ gì. Trong khi đó xét tuyển ĐH thì theo ngành học và phục vụ số ít học sinh (vì tỉ lệ học sinh vào ĐH cũng không lớn lắm). Vì thế, muốn giải quyết vấn đề tận gốc thì phải quay trở lại nguồn gốc của vấn đề. Mục tiêu của kỳ thi là gì? “Hai trong một” có đáp ứng được mục tiêu ấy không? Phải trung thực với sự thật là điều quan trọng, sau đó mới nói đến quy trình thực hiện.

Theo định hướng của Chính phủ về tự chủ ĐH thì nên để ĐH được quyền quyết định tuyển sinh cho trường của mình riêng. Do đó, còn lại là tốt nghiệp phổ thông. Nếu chỉ tốt nghiệp phổ thông thì đã có học bạ ba năm THPT là đủ. Nếu học sinh đạt trên trung bình cho các môn chính (yêu cầu bởi Bộ GD&ĐT) thì trường có thể cấp bằng THPT. Có thể có một kỳ thi chuẩn cấp quốc gia và điểm có thể dùng để tuyển sinh ĐH nhưng dùng hay không do trường ĐH quyết định.

Bộ GD&ĐT lập 2 đoàn kiểm tra về Lạng Sơn và Sơn La

Tối 18-7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký quyết định thành lập tổ công tác thi THPT quốc gia có nhiệm vụ kiểm tra xác minh dấu hiệu bất thường về điểm thi tại Hội đồng thi tỉnh Lạng Sơn và Sơn La. Tổ công tác có nhiệm vụ giúp bộ trưởng chỉ đạo việc kiểm tra xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn và Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Quyết định này được đưa ra sau khi dư luận phản ánh về những bất thường trong điểm thi THPT quốc gia 2018 tại hai tỉnh này.

Trước đó, chiều 18-7, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, cho biết sau khi trên mạng có thông tin về 35 thí sinh có điểm cao bất thường, Sở đã có báo cáo cho UBND tỉnh. UBND tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu Sở rà soát quy trình coi thi, chấm thi, đặc biệt rà soát kết quả thông tin có 35 trường hợp có điểm cao bất thường.

HÀ PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm