Sáng 28-4, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đối thoại với đại diện cán bộ, lãnh đạo, quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn.
Miền núi tuyển không ra giáo viên
Tại buổi đối thoại, nhiều nội dung được nêu ra như: nhiều dự án sửa chữa, xây mới cơ sở hạ tầng phục vụ ngành giáo dục có tiến độ thi công quá chậm do vướng giải phóng mặt bằng; chế độ bán trú, trực trưa cho cán bộ, giáo viên và nhân viên nơi có nơi không; chính sách thu hút, ưu đãi đối với giáo viên công tác khu vực miền núi, trường có tỉ lệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trên 83% còn thấp…
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân. Ảnh: TN |
Đại diện các trường ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Ngãi nêu thực trạng thiếu giáo viên ở bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Nhiều huyện miền núi bình quân mỗi năm thiếu khoảng 100 giáo viên dù tỉnh đã giao chỉ tiêu tuyển dụng.
Đơn cử, tại huyện Sơn Hà, ba năm liền tuyển dụng viên chức ngành giáo dục, tuy nhiên số lượng giáo viên đủ chỉ tiêu trúng tuyển chưa tới 50%.
“Tại huyện Sơn Hà, ở bậc Mầm non toàn huyện chỉ đạt 1,7 giáo viên/lớp. Ở bậc tiểu học mới đạt 1,4 giáo viên/lớp. Bậc trung học cơ sở dù tương đối ổn định hơn tuy nhiên vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các môn”, bà Đinh Thị Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà nói.
Tình trạng thừa hoặc thiếu giáo viên cục bộ hiện rất phổ biến ở nhiều trường học tại tỉnh Quảng Ngãi do một số môn học có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên nhưng không có người thi tuyển.
Đại diện các trường ở miền núi nêu thực trạng thiếu giáo viên. Ảnh: TN |
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Ngọc Thái, cho rằng hằng năm ngành giáo dục đều tổ chức thi tuyển viên chức, tuy nhiên tình trạng thiếu giáo viên chưa được khắc phục.
Ra trường chỉ muốn dạy ở đồng bằng
Nguyên nhân một phần do tiêu chuẩn thí sinh tham gia thi tuyển viên chức theo quy định của Luật Giáo dục mới yêu cầu khắt khe hơn về bằng cấp nên nguồn tuyển dụng bị hạn chế.
“Hầu hết các thí sinh đều mong muốn sau khi tốt nghiệp ra trường được công tác tại các huyện, thị xã, thành phố ở khu vực đồng bằng chứ rất ngại lên miền núi công tác. Vì nghĩ rằng lên đó thì không biết bao giờ mới được về lại. Bên cạnh đó, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, đi lại của giáo viên miền núi, đặc biệt là giáo viên nữ, giáo viên ở bậc mầm non cực kỳ khó khăn”, ông Thái nói.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, nhấn mạnh việc đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ hàng đầu. Dù thực tiễn công tác dạy và học còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng tỉnh Quảng Ngãi luôn tập trung rà soát, sớm tháo gỡ.
Hiện nay, viên chức ngành giáo dục chiếm tỷ lệ 36% tổng biên chế toàn tỉnh Quảng Ngãi, tuy nhiên còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Bà Vân đề nghị Sở Nội Vụ, Sở GD&ĐT, Sở Tài chính phối hợp rà soát lại những khó khăn, bất cập trong thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh, việc đầu tư cơ sở vật chất và biên chế tổ chức bộ máy để sớm có giải pháp tháo gỡ.
Nguyên nhân thiếu giáo viên ở miền núi được chỉ ra do sinh viên ra trường chỉ muốn công tác ở khu vực đồng bằng. Ảnh: TN |
Theo Bí thư Quảng Ngãi, nhiều nội dung liên quan đến đầu tư cho sự nghiệp giáo dục có thể lồng ghép, kết hợp với các chương trình khác để triển khai thực hiện hiệu quả. Đặc biệt là việc triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì cần rà soát xem chúng ta có thể lồng ghép được nội dung nào và triển khai mới nội dung nào.
“Yêu cầu Sở Tài chính và UBND các huyện rà soát lại, có thể chưa cần ban hành cơ chế, chính sách mới nhưng trước mắt chúng ta rà soát chi đúng, chi đủ theo hướng dẫn và quy định chung”, bà Vân nói.