Đối thoại thường niên Mỹ - Trung được trông đợi như một cơ hội để Mỹ gây sức ép buộc Trung Quốc xuống thang ở Biển Đông. Nhưng cho đến nay, áp lực này vẫn chỉ dừng lại ở những lời chỉ trích và kêu gọi, chưa đủ mạnh để có thể tạo ra một hiệu ứng răn đe nào đối với Bắc Kinh. Cục diện quốc tế hiện tại vẫn đang tạo ra dư địa cho Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến lược "gặm nhấm" Biển Đông.
"Giấc mơ Trung Hoa" hay mộng bá quyền?
Báo chí quốc tế trích dẫn lời của Tập Cận Bình trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 10/7, nhấn mạnh đối đầu Trung - Mỹ sẽ là một thảm hoạ đối với cả hai nước và thế giới. "Chúng ta cần tôn trọng lẫn nhau và đối xử với nhau một cách bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như chọn lựa của mỗi bên trên con đường phát triển". Ẩn sau những ngôn từ nhũn nhặn, ngoại giao thực chất là một thái độ không kém phần cứng rắn, của một kẻ ý thức rõ vị thế của mình. Nó không huỵch toẹt ra như yêu cầu đòi chia đôi vùng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương với Mỹ của một vị tướng lĩnh Trung Quốc năm nào. Nhưng giọng điệu mang ngụ ý răn đe: gây với tôi anh cũng sẽ phải hứng chịu hậu quả.
Phát ngôn mới nhất của ông Tập Cận Bình không nằm ngoài luận điệu chung mà ông này nhiều lần nhấn mạnh trước đó, rằng Trung Quốc không còn là một quốc gia yếu ớt nữa và Bắc Kinh sẵn sàng bảo vệ các lợi ích của mình một cách quyết liệt. Thời đại của Tập Cận Bình đánh dấu bước chuyển căn bản về mặt đại chiến lược của Trung Quốc: từ "ẩn mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình sang ngoại giao bá quyền. Nói cách khác, từ một nước chấp nhận luật chơi hiện tại, nay Trung Quốc sẽ trở thành một kẻ kiến tạo luật chơi mới phục vụ cho lợi ích quốc gia của nước này. Đó là cốt lõi của cái gọi là "Giấc mơ Trung Hoa" mà Tập Cận Bình đang ra sức quảng bá như một học thuyết mới làm nền tảng cho nhiệm kỳ lãnh đạo của mình.
Trong giấc mơ đó thì thống trị Biển Đông là then chốt, là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của Trung Quốc. Về địa chính trị, địa chiến lược, Biển Đông là nơi giao cắt của những tuyến hàng hải huyết mạch đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong khi đó, sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông yếu hơn nhiều so với ở biển Hoa Đông. Từ góc độ của Trung Quốc, Biển Đông có lẽ là mắt xích yếu nhất trong phòng tuyến an ninh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, là đột phá khẩu để từ đó Trung Quốc xác lập vị thế cường quốc biển, từng bước hất Mỹ ra khỏi Biển Đông và chia đôi ảnh hưởng trên Thái Bình Dương.
|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình trong Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung. Ảnh:Reuters |
Trò chơi "gặm nhấm" ở Biển Đông
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng ý thức sâu sắc rằng họ sẽ tự đẩy mình rơi vào thảm hoạ nếu đối đầu trực diện với Mỹ ở Biển Đông. Sự trỗi dậy thần kỳ của Trung Quốc suốt ba thập kỷ qua được hưởng lợi chủ yếu từ môi trường an ninh quốc tế tương đối hoà bình, ổn định. Giới lãnh đạo Bắc Kinh quá hiểu rằng phát triển kinh tế - chứ không phải là con đường chạy đua vũ trang hay phiêu lưu quân sự như Liên Xô thời trước - mới có ý nghĩa sống còn nhằm đảm bảo cho nước này hiện thực hoá "giấc mơ Trung Hoa". Một cuộc xâm lược và chiếm đoạt các đảo ở Biển Đông bằng quân sự có thể khơi mào cho một cuộc chiến tranh và lôi kéo Mỹ can dự - cơn ác mộng với ngay chính Trung Quốc. Chừng nào mà quan điểm này vẫn còn thắng thế trong chính giới Bắc Kinh, chừng đó sẽ luôn có một "giới hạn cứng" trong chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, đó là không để bùng nổ một cuộc xung đột quân sự lớn.
Vả lại, Bắc Kinh cũng không dại gì mà gây chiến khi những gì họ đang theo đuổi ở Biển Đông hiện nay cũng đủ giúp nước này đạt được mục tiêu chiến lược tương tự. Cho đến nay, đã có thể nhận diện tương đối rõ ràng trò chơi mà Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông. Giới học giả quốc tế gọi đó là chiến thuật "salami", nói nôm na là gặm nhấm từng phần.
Chiến thuật này tinh vi ở chỗ nó diễn biến một cách từ từ, không đến mức để gây ra một phản ứng quyết liệt từ phía đối phương. Tuy nhiên, hệ quả của nó lại vô cùng nguy hiểm, vì sau một thời gian dài, khi các nước khác giật mình nhận ra thì Trung Quốc đã thay đổi nguyên trạng tranh chấp và nhận thức của công luận liên quan đến các tuyên bố chủ quyền.
Sự kiện giàn khoan 981, cùng một loạt giàn khoan khác đang tiến ra Biển Đông, hay việc Trung Quốc mới đây phát hành bản đồ 10 đoạn, không nằm ngoài thiết kế trò chơi này. Các lực lượng dân sự được hải quân PLA hỗ trợ như các tàu cá và tàu hải giám không ngần ngại va chạm ở cường độ thấp, như phun vòi rồng, đâm va, phá huỷ tài sản của đối phương. Mới nhất, Bắc Kinh điều máy bay quân sự bay quanh giàn khoan để phô trương sức mạnh và răn đe các đối thủ. Những hành vi khiêu khích, quấy nhiễu này đủ làm nản lòng đối phương. Trong khi đó, đối với Washington những hành động gây hấn kiểu đó chỉ gây bực mình chứ chưa đến mức phải can thiệp mạnh.
|
Tàu TQ phun vòi rồng vào tàu VN. Ảnh:Cảnh sát biển VN |
Mỹ điều chỉnh cách tiếp cận
Cho đến những tháng gần đây, đặc biệt sau sự kiện giàn khoan Hải Dương - 981, giới chiến lược gia Hoa Kỳ bắt đầu phải nhìn nhận lại về cách tiếp cận đối với vấn đề Biển Đông. Trước hết, họ đã nhận ra rằng những nỗ lực nhằm răn đe Trung Quốc kiềm chế không mấy tác dụng. Bất chấp mối quan tâm ngày càng gia tăng cùng những cảnh báo mạnh mẽ từ phía Mỹ, Trung Quốc vẫn tiếp tục từng bước thay đổi nguyên trạng theo các cách thức ngày càng hung hăng, trắng trợn hơn, khiến các quốc gia láng giềng và Mỹ phải quan ngại.
Một số học giả Mỹ cho rằng chíến lược quân sự của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương, xét ở mức độ nào đó dường như đã sai trong cách tiếp cận ban đầu. Suốt nhiều năm, những bộ óc thông thái nhất của Lầu Năm Góc đã tập trung vào kịch bản làm thế nào để Mỹ có thể thắng trong một cuộc chiến tranh dài ngày với Trung Quốc. Họ đi tới phát triển một khái niệm mới - được biết đến như Không/Hải Chiến (AirSea Battle) - nhằm đảm bảo khả năng xâm nhập của tàu chiến và chiến đấu cơ của Mỹ vào các khu vực tranh chấp khi xảy ra xung đột.
Nhưng chiến lược mà Trung Quốc đang tiến hành trên thực tế ở Biển Đông - trò chơi "gặm nhấm" này lại đặt ra một thách thức quân sự hoàn toàn khác đối với Mỹ. Thay vì triển khai hải quân, Bắc Kinh lại triệt để khai thác chiến thuật "cây gậy nhỏ", sử dụng các tàu dân sự và bán quân sự để thực thi các hành vi gây hấn, khiến Mỹ ít có cớ để phản ứng.
Với chiến lược "cây gậy nhỏ", các biện pháp trấn áp hiện tại của Mỹ hoàn toàn không có hiệu quả, như đánh giá của một quan chức ở Washington trên báo Financial Times. Do đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét các chiến thuật quân sự mới để ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc "gặm nhấm" Biển Đông. Các giải pháp này tập trung vào nhiệm vụ thu thập thêm thông tin về các hoạt động của Trung Quốc - như tăng cường các hoạt động do thám bằng máy bay hoặc ra đa. Mỹ cũng đang cân nhắc triển khai thêm các hoạt động của lực lượng hải quân và không quân nước này trên vùng biển tranh chấp nhằm thách thức các nỗ lực chiếm đoạt chủ quyền ở các vùng mới của Trung Quốc.
Vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu các giải pháp quân sự mới của Washington sẽ đủ sức kiềm chế Trung Quốc hay không. Bởi lẽ, Hoa Kỳ phải giải được bài toán lưỡng nan: một mặt tìm kiếm các cách thức khiến cho Trung Quốc phải trả giá đắt hơn khi theo đuổi chính sách cưỡng ép, đe doạ, vi phạm luật pháp quốc tế; mặt khác không kích động một cuộc xung đột - cái giá mà người dân Mỹ chắc chắn không chấp nhận. Ngược lại, Bắc Kinh cũng sẽ theo dõi chặt chẽ phản ứng từ Washington để điều chỉnh các động thái của mình.
Nói tóm lại, Biển Đông thời gian tới vẫn nóng bỏng nhưng sẽ không đủ chạm đến điểm sôi. Một cục diện như vậy càng đặt ra những thách thức khôn lường đối với các nước như Việt Nam.
Theo Việt Lâm (Tuần Việt Nam)
Đón đọc bài 2: Cơ chế nào để kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông?