Phải “mạnh tay” hơn trước sự bá quyền

Ngày 25-7, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) đã tổ chức hội thảo quốc tế về biển Đông. Nhiều học giả trong và ngoài nước đã tham dự.

Chú trọng hơn nữa giải pháp pháp lý

GS Ramses Amer, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc ĐH Stockholm (Thụy Điển), cho rằng Trung Quốc (TQ) đang có những hành động mang tính đe dọa đối với các nước nhỏ. Theo GS Ramses Amer, Việt Nam phải dựa vào luật pháp quốc tế và chú trọng nhiều hơn vào giải pháp pháp lý để đấu tranh trước những hành vi gây hấn của TQ.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Mạnh Cường (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cho rằng Philippines đã đưa vấn đề tranh chấp biển Đông với TQ ra Tòa án trọng tài quốc tế và TQ đã dịu giọng hơn. Vậy nên, theo ông Cường, Việt Nam cũng nên có những hành động như thế.

Các học giả quốc tế đang trao đổi với nhau tại hội thảo. Ảnh: TL

Bàn về vai trò của Liên Hiệp Quốc trong vấn đề này, các diễn giả Trần Hữu Thùy Giang (ĐH Southerm Cross, Úc), Đoàn Thi Quang (ĐH Queensland, Úc), ông Vũ Mạnh Cường (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cùng đồng quan điểm cho rằng vai trò của Liên Hiệp Quốc cần phải được thể hiện rõ hơn, mạnh mẽ hơn để ngăn chặn nước lớn bá quyền.

Cộng đồng quốc tế cần chung tiếng nói

Tại hội thảo, các học giả cũng cho rằng cộng đồng quốc tế cần thống nhất đưa ra tiếng nói chung mạnh hơn trước tham vọng bành trướng, xâm phạm chủ quyền các quốc gia khác của TQ.

GS Ramses Amer cho rằng Việt Nam cần đối thoại mang tính chất khu vực và tính quốc tế để giải quyết tranh chấp trên biển Đông. “Nếu tiếp cận như thế, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa ra những giải pháp để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ cũng như tuyên bố về lãnh thổ” - ông Ramses Amer nói.

Trên quan điểm này, GS Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Úc, từ nhiều năm nay quan chức cao cấp của các nước cũng đưa ra các yếu tố để Việt Nam tham gia vào các diễn đàn cũng như chia sẻ những vấn đề quan tâm chung. “Rõ ràng các quốc gia trong khu vực cũng đã hỗ trợ Việt Nam. Úc cũng nỗ lực hỗ trợ Việt Nam” - ông nói.

TS Pradhan, nguyên cố vấn an ninh quốc gia của thủ tướng Ấn Độ, cho rằng thời gian qua, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực thông qua những hiệp ước về biển Đông đã được ký kết. Tuy nhiên, những nỗ lực quốc tế đó không được TQ tôn trọng. “TQ đã chiếm các bãi, đảo của các nước và tuyên bố chủ quyền ở những nơi TQ không có chủ quyền” - ông Pradhan nói.

TS Pradhan đề nghị cộng đồng quốc tế cần thống nhất để đưa ra tiếng nói chung đủ mạnh để những người vi phạm chủ quyền phải chịu trách nhiệm. Cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ các nước bị xâm lấn chủ quyền; COC cần được thông qua và thực hiện.

TÁ LÂM

TQ chơi trò gì ở biển Đông?

TS Pradhan, nguyên cố vấn an ninh quốc gia của thủ tướng Ấn Độ, nói TQ định chơi trò gì ở biển Đông? Trong những năm qua, TQ đã xây dựng quân đội hùng mạnh để gây hấn với các nước. Rõ ràng TQ đang chơi một trò chơi “mai phục”. Một mặt TQ theo đuổi chính sách ngoại giao hòa bình nhưng mặt khác vẫn luôn bành trướng trên biển Đông.

Hội thảo quốc tế bàn về pháp lý quanh vụ giàn khoan trái phép

Chiều 25-6, Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp cùng Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức họp báo chuẩn bị cho hội thảo quốc tế về “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam”.

 Tại buổi họp báo, ban tổ chức cho biết hội thảo thu hút 30 học giả hàng đầu về luật quốc tế và luật biển đến từ các viện nghiên cứu, các trường ĐH lớn của Mỹ, Nga, Ý, Thụy Sĩ, Hungary, Bungary, Ba Lan, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Singapore. Trong hai ngày diễn ra (26 và 27-7), hội thảo tập trung vào khía cạnh pháp lý của sự kiện TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam gồm ba chủ đề tương ứng với ba phiên thảo luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm