Tuy không nóng mùi súng đạn hay đổ máu chết người như các cửa khẩu phía bắc, biên phòng ở biên giới Tây Nam hằng ngày lại đối diện với những chuyện trời ơi đất hỡi kiểu như của đại uý Nguyễn Văn Hải của Trạm biên phòng Phước Chỉ, Tây Ninh: “Khi bị lực lượng vây bắt, phụ nữ thường nhắm các chiến sĩ trẻ xông vào vừa ôm vừa… bóp chỗ hiểm khiến chúng tôi chỉ biết đứng trân người ra. Lúc này, cánh đàn ông mới lao vào cướp tang vật…”.
Một chiếc xe hơi đời mới chở thuốc lá lậu bị Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây bắt giữ.
Một ngàn lẻ một cách chống trinh sát
Để chống hàng lậu từ Campuchia vào Việt Nam và hàng ăn cắp, chủ yếu là xe máy từ nội địa tuồn qua Campuchia, trinh sát biên phòng ở biên giới Tây Nam thường phải giả dạng người đi câu, người làm ruộng; có khi phải mật phục trong lùm cây, hoặc dầm mình dưới kênh nước. Và đội quân dò đường của các đầu nậu buôn lậu cũng nghĩ ra một ngàn lẻ một cách để… chống trinh sát.
Đại uý Lê Trọng Tình ở đồn biên phòng Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, Long An) kể: “Họ cũng giả dạng thành dân câu cá, săn chuột, tay cầm ná thun, tay cầm chĩa. Hễ có lùm bụi nào nghi ngờ có mật phục là đám dò đường bắn đá vào rào rào để trinh sát buộc phải lộ diện. Nhưng họ lỳ một thì chúng tôi lỳ mười. Cách đây mấy hôm, khi tôi mật phục trong bụi rậm sau cây cầu gỗ ở ấp 3 (Mỹ Quý Tây), một thanh niên dò đường sau một hồi nhìn láo liên giương ná thun bắn liền 3 phát. Một viên đá to bằng ngón chân cái trúng vào vai đau đến muốn thét lên nhưng tôi vẫn cắn răng chịu đau, kiên quyết không để bị lộ”.
Đó là lý do, dù giảo hoạt, lắm chiêu trò cỡ nào, thời gian qua, hàng ngàn đối tượng bất hảo vẫn phải thúc thủ trước lực lượng biên phòng. Chỉ tính riêng Đồn biên phòng Mỹ Quý Tây, từ đầu năm 2014 đến nay có 72 xe gắn máy bị trộm đưa qua biên giới tiêu thụ bị bắt giữ. Nếu tính luôn phương tiện chở hàng lậu, số xe bị Đồn biên phòng Mỹ Quý Tây bắt giữ là cả trăm chiếc. Đó là con số khá lớn nếu so sánh với khu vực vốn giao thương không nhộn nhịp như Mỹ Quý Tây.
Mật phục dưới kênh, tổ công tác Đồn biên phòng Mỹ Quý Tây bắt được nhiều thuốc lá lậu. |
Đại uý Lê Trọng Tình giải thích trong khi dẫn chúng tôi đi xem kho tang vật: “Long An là tỉnh giáp ranh với TPHCM, nên bọn trộm thường đưa xe ăn cắp sang Campuchia qua ngõ Long An. Không chỉ trộm cắp, nhiều đối tượng giết người, cướp của cũng theo ngõ này để trốn ra nước ngoài, nhưng thường không thoát được tai mắt biên phòng. Trong 72 chiếc xe bị thu hồi, chúng tôi trả được gần một nửa cho nạn nhân. Số còn lại đang thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người mất biết mà đến nhận”.
Thú vị là nạn nhân của 72 xe máy nói trên có cả một cảnh sát giao thông ở TPHCM và một trường hợp cháy nhà ra mặt… chuyên theo dõi chồng! Số là một một chị ở tận Vũng Tàu bỗng dưng không tin chồng nữa nên ngầm gắn hệ thống định vị trên xe để theo dõi. Đến khi xe bị trộm, tiếc của nên chị phải nghiến răng khai thật với chồng là xe bị mất đang phát tín hiệu ở khu vực biên giới Mỹ Quý Tây của Long An. Sau khi nhận được tin báo có vụ trộm và đặc điểm chiếc xe, các trinh sát biên phòng tóm luôn cả trộm lẫn xe khi kẻ này chỉ còn cách đường biên vài trăm mét.
“Để bắt được 72 xe gian, công đầu thuộc về tổ công tác gồm thượng uý Lưu Minh Trung, thượng uý Nguyễn Thành Trung và thiếu uý Nguyễn Phong Phú” - trung tá Phạm Văn Thắng - Trưởng Đồn biên phòng Mỹ Quý Tây, nói. “Họ phối hợp rất tốt với người dân biên giới nên chỉ cần có hiện tượng nào khác lạ, hay có đối tượng nào khả nghi là dân sẽ báo ngay. Anh em ở tổ này mà ngụy trang đi mật phục thì người thân có khi còn không nhận ra chứ đừng nói là đám dò đường”. Trung tá Thắng thừa nhận là “bị bắt nhiều quá, các băng nhóm giờ cũng tinh vi lắm. Họ nhờ người Campuchia mặc đồ rằn ri giống như lính Campuchia sang ta đi chợ, sau đó họ “chẻ” xe gian đem về”.
Nhưng “tinh vi kiểu gì cũng không qua mắt được quần chúng”. Quần chúng mà trung tá Thắng nói ở đây không chỉ là cư dân biên giới, mà còn là đội xe ôm biên giới với hơn 200 thành viên - trong đó có gần 100 người từng có tiền án tiền sự, chủ yếu là buôn lậu. Anh Phạm Hồng Sơn - “thủ lĩnh” của đội xe ôm biên giới - xác nhận với chúng tôi: “Anh em chúng tôi có nhiều người trước đây bị bộ đội biên phòng bắt, giờ giải nghệ và có công việc ổn định nên không muốn phạm pháp nữa và quay sang giúp đỡ biên phòng giữ an ninh trật tự trên địa bàn. Trộm cắp, mang án… mà đi ngang đây, anh em tôi liếc cái là biết ngay, không thể nào qua mắt được”.
Đủ chiêu trò cướp lại tang vật
Không chỉ có một ngàn lẻ một cách để chống trinh sát, khi bị bắt giữ, các đối tượng phạm pháp còn sử dụng đủ mọi chiêu trò để cướp lại tang vật. Gần nhất là đêm 10.12.2014, đại uý Nguyễn Đức Long - Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma tuý Đồn Biên phòng Tây Ninh, cùng huấn luyện viên chó nghiệp vụ Lê Thanh Liêm, sử dụng môtô đi khảo sát tình hình buôn lậu tại khu vực đám mía gần chốt Cầu Sắt, thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài quản lý.
Đại uý Lê Trọng Tình bên số tang vật vừa bắt giữ. |
Khi đến đây, một đối tượng lạ mặt từ trong đám mía đi ra, thấy tổ công tác, liền bỏ chạy về hướng biên giới. Kiểm tra trong đám mía, phát hiện 2 bao tải đựng thuốc lá, tổ công tác đưa tang vật ra đường, đồng thời điện thoại cho chốt Cầu Sắt đề nghị cử người ra hỗ trợ. Khi đang đưa 2 bao tải thuốc lá về chốt, đột nhiên xuất hiện 3 đối tượng, tay lăm lăm gậy gộc xông vào tấn công tổ công tác.
Mặc dù đại uý Long đã sử dụng súng đạn cao su bắn 3 phát, nhưng đối tượng vẫn lao vào dùng gậy đánh vào người và tay anh, làm văng súng. Lúc đó, chiến sĩ Lê Công Bằng thuộc chốt Cầu Sắt chạy môtô đến, cùng với anh Liêm tiếp ứng thì xuất hiện thêm 4 đối tượng đến cướp tang vật lẫn 2 xe môtô công vụ chạy mất. Hậu quả của vụ tấn công này làm đại uý Long gãy xương đòn vai, xương ngón tay còn chiến sĩ Lê Công Bằng bị thương nhẹ.
Trong khi lực lượng biên phòng Tây Ninh đang phối hợp với Cảnh sát Hoàng gia Campuchia truy bắt các đối tượng trên thì 4 ngày sau, một vụ tấn công bộ đội biên phòng lại xảy ra. Đêm 14.12, thượng tá Triệu Anh Hùng chỉ huy tổ công tác gồm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Chỉ (Trảng Bàng, Tây Ninh) mật phục gần khu vực Cầu Nhôm (xã Phước Chỉ) để bắt buôn lậu. Sau khi nghi binh ở vị trí khác, một nhóm bộ đội bắt đầu băng đồng khoảng 2km về hướng Cầu Nhôm và ém quân dọc bờ ruộng.
Phát hiện khoảng chục xe gắn máy chất đầy thuốc lá chạy băng băng về hướng nội địa, tổ công tác bất ngờ xuất hiện, thu giữ được 3 xe máy và 13 đai thuốc (7.800 gói). Khi tổ công tác đang gọi chi viện để đưa tang vật về đồn thì cả trăm người bất ngờ xuất hiện, vây kín lực lượng. Thượng uý Trần Văn Ngưu - Trưởng Trạm Biên phòng Phước Chỉ - kể: “Họ gồm đàn ông, đàn bà, người già, con nít, cứ 4 - 5 người xông vào ôm cứng lấy một chiến sĩ rồi… năn nỉ xin thả hàng. Đại uý Nguyễn Văn Hải chưa bị ôm liền rút súng bắn chỉ thiên, họ hơi giãn ra một chút. Lúc đó, thượng tá Hùng ra lệnh: Ai manh động sẽ bắn. Lực lượng triển khai đội hình bắt người, họ mới bỏ chạy”.
Thượng uý Ngưu cho biết, sở dĩ có tình trạng dân vây lấy bộ đội để “cứu” hàng lậu là do gần đây xuất hiện tình trạng “hôi đồ lậu”. Trong lúc lộn xộn, ai cướp được hàng thì chiếm giữ luôn, nếu trả lại thì con buôn cũng sẽ “biết điều” nên nhiều người thường cậy đông để tranh thủ cướp. “Bộ đội không sợ tội phạm, chỉ sợ làm mất lòng dân. Con buôn biết chắc khi biên phòng bắt giữ là mất luôn, còn nếu kích động cho nhiều người xông ra cướp lại thì còn vớt vát được chút ít” - thượng uý Ngưu nói. “Tìm cách câu giờ để chờ đồng bọn giải vây là chiêu trò mà những người vận chuyển hàng lậu hay áp dụng”, đại uý Lê Trọng Tình kể.
Có lần, tổ công tác của đại uý Tình chặn xe của anh em Lê Văn Đỏ và Lê Văn Đen chở 6 đai thuốc lá lậu (3.600 gói). Thấy vậy, nhiều người xông tới giằng co giúp Đỏ và Đen nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết bắt giữ. Để câu giờ, Đỏ và vợ là Nguyễn Thị Nhiên chèn chân vào giữa bánh xe để lực lượng không lấy được xe. Nếu làm căng thì 2 đối tượng sẽ bị thương, đại uý Tình lệnh cho anh em... cất súng, lấy điện thoại ra quay phim, chụp hình 2 đối tượng và thông báo “ghi hình làm bằng chứng rồi bắt nguội”. Thế là, anh em nhà Đỏ - Đen chịu phép, phải bỏ của chạy lấy người.
Đại uý Lê Trọng Tình kể điện thoại của anh thường xuyên nhận được tin nhắn kiểu “mày cứ bắt hoài, tao sẽ làm thịt mày và vợ con của mày”. Hỏi có sợ không, anh Tình cười hiền nhưng giọng lại cương quyết: “Sợ thì đừng có làm biên phòng!”.
Theo HỮU DANH - HOÀNG VĂN MINH (Lao Động)