Không quân Trung Quốc đã gửi đi một biến thể mới của tiêm kích bom JH-7A tới cuộc thi Aviadart ở Nga trước đó trong tháng 8, theo hãng tin Sputnik. Tuy nhiên, các chuyên gia đang cố gắng giải mã biến thể mới này có những cải tiến nào và lý do Trung Quốc sản xuất nó.
Chiếc máy bay JH-7A tại triển lãm hàng không Chu Hải năm 2008. Ảnh: SPUTNIK
Theo một bản tin đăng trên hãng thông tấn Tân Hoa Xã ngày 6-8, biến thể mới nhất của tiêm kích bom Xian JH-7A có tên JH-7AII được gửi tới Giải đấu quân sự quốc tế thường niên (International Army Games) 2019 trước đó trong tháng này. Đây là hội thao quân sự quốc tế thường niên được tổ chức gần Moscow, với sự tham gia của hàng chục quốc gia cùng khác khí tài của họ.
Một báo cáo khác đăng trên một chuyên mục quân sự có liên kết với Đài truyền hình trung ương Trung Quốc vào ngày 7-8 cũng lưu ý tới tên gọi của máy bay mới này. Tuy nhiên, không báo cáo nào cung cấp chi tiết về những đặc điểm mới có ở JH-7AII mà không thể tìm thấy trên phiên bản JH-7A trước đó và ngay cả diện mạo của máy bay cũng không có sự thay đổi rõ ràng. Điều này khiến các chuyên gia bối rối.
"Mặc dù thiết kế khí động lực học của JH-7AII dường như không có nhiều khác biệt so với JH-7A, nhưng các hệ thống bên trong máy bay có thể đã được nâng cấp”, Wei Dongxu, chuyên gia quân sự trụ sở Bắc Kinh, nói với tờ Global Times hôm 8-8.
Phiên bản tiêm kích bom mới nhất JH-7AII của Trung Quốc tại Aviadarts 2019 hồi đầu tháng 8 tổ chức tại Nga. Ảnh: SPUTNIK
Ông Wei lưu ý “JH-7AII có thể được trang bị một radar và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến hơn, giúp nâng cao hiệu suất bay”.
Tạp chí quốc phòng Jane’s cũng nhấn mạnh rằng trong năm 2013 phiên bản tiêm kích bom JH-7B lộ diện với những đồn đoán có khả năng tiếp nhiên liệu trong lúc bay và động cơ và radar tốt hơn. Tuy nhiên, JH-7B hóa ra chỉ là tin đồn.
Theo Global Times, các nhà quan sát quân sự khác nhận xét rằng “không có nhiều cơ hội để cải tiến seri JH-7” và một số chuyên gia cho rằng quân đội Trung Quốc sẽ sớm cho “nghỉ hưu” tất thảy các phiên bản tiêm kích bom JH-7, đặc biệt sau khi tiêm kích tàng hình Thẩm Dương J-16 được trình làng năm 2013.
Được chế tạo bởi Tập đoàn Công nghiệp máy bay Tây An, tiêm kích bom JH-7 Flying Leopard (Báo bay) thế hệ thứ tư lần đầu được ra mắt năm 1988 nhưng mãi tới năm 2004 mới đi vào biên chế sau khi ra mắt phiên bản cải tiến JH-7A.
Theo chuyên san quân sự The National Interest, JH-7A được lấy cảm hứng từ máy bay General Dynamics F-111 Aardvark – máy bay đa nhiệm cỡ lớn nhanh và mạnh được Hải quân và Không quân Mỹ sử dụng trong nhiều vai trò tấn công khác nhau, từ các cuộc tấn công chống hạm cho tới các cuộc tấn công mặt đất thông thường.
Hai chiếc Xian JH-7 của Trung Quốc cất cánh trong một cuộc tập trận. Ảnh: ECNS.CN
Những phiên bản tác chiến hải quân của F-111 có lẽ đáng chú ý nhất. Với chiều dài 22,4 m máy bay quá lớn để hạ cánh trên một tàu sân bay (mặc dù đây là phương án có sẵn cho F-111), tuy nhiên mối nguy hiểm mà nó đặt ra cho lực lượng hải quân đối phương hoàn toàn không thể xem thường.
Biết gì về JH-7A?
JH-7A có bán kính chiến đấu 1.448 km và 1.760 km nếu bổ sung thùng nhiên liệu ngoài. Về trang bị vũ khí, JH-7 được trang bị một pháo tự động nòng kép GsH-23, có thể lắp trên bảy tấn bom, tên lửa và vỏ rocket.
Với tốc độ tối đa Mach 1,75 (2.143 km/giờ), JH-7A của Trung Quốc có thể nhanh chóng có mặt ở các vùng biển xa. Nó có thể tiếp cận bất kỳ địa điểm nào ở biển Đông khi cất cánh từ Hải Nam và nếu cất cánh ở căn cứ từ Hạ Môn, nó có thể tham chiến ở khu vực chiếm phân nửa khoảng cách đến đảo Guam của Mỹ.
JH-7A được trang bị một số tên lửa chống hạm tầm xa tốt nhất của quân đội Trung Quốc, mang tới bốn tên lửa KD-88 hoặc YJ-83. Những tên lửa này có tầm bắn 161 km và được trang bị radar bám bắt mục tiêu trong pha cuối. Thêm vào đó, radar JL-10A Condor của máy bay giúp nó bay thấp và chính xác trên mặt đất hoặc trên biển, nghĩa là có khả năng tiếp cận và tấn công các hạm đội hải quân đối phương và khiến JH-7A trở thành mối nguy hiểm thực sự.
Một chiếc JH-7A của Trung Quốc rơi ngày 12-3 ở Hải Nam. Ảnh: SCMP
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sử dụng thiết bị gây nhiễu KG600 trên máy bay JH-7A, làm giảm thiểu tầm bắn nhưng cũng khiến tàu chiến hoặc máy bay đối phương không thể nhận diện nguy hiểm sắp đến.
Trong số 270 chiếc JH-7 đã được sản xuất, có khoảng 215 tới 240 chiếc ngày nay vẫn còn trong biên chế quân đội Trung Quốc, được chia đều cho Không quân hải quân và Không quân Trung Quốc. Những chiếc máy bay này thường xuyên được triển khai ra nước ngoài để tham gia các cuộc tập trận chung với Nga, theo Yahoo News.
Trung Quốc đã mất 12 chiếc JH-7 trong các vụ tai nạn kể từ năm 1991, trong đó có một chiếc đâm vào quả cầu lửa tại Triển lãm hàng không Thượng Hải năm 2011 và hai chiếc vào năm 2019.
Hôm 12-3-2019, một chiếc JH-7A gặp sự cố trong một chuyến bay huấn luyện tầm thấp trên đảo Hải Nam và đâm một tháp nước khiến hai người thiệt mạng. Vụ rơi JH-7A thứ hai trong năm 2019 xảy ra vào ngày 18-5 tại tỉnh Sơn Đông và hai thành viên phi hành đoàn đã phóng dù an toàn.