Sáng 8-5, tại UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã diễn ra buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM về tình hình triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Tính đến đầu tháng 4-2019, huyện Bình Chánh có 133.833 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm tỷ lệ 19,49% dân số của huyện này). Lãnh đạo huyện luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống, xử lý thông tin tố giác tội phạm về xâm hại trẻ em.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung phát biểu.
Đồng thời các cơ quan tố tụng của huyện đã ban hành quy chế phối hợp để giải quyết nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em.
Ngoài ra việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nhất là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc bảo vệ trẻ cũng như thực thi Luật trẻ em được huyện đặc biệt chú trọng thực hiện.
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn xảy ra rất nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại. Cụ thể năm 2017, xảy ra 16 vụ xâm hại trẻ (trong đó hiếp dâm 5 vụ, giao cấu 10 vụ, dâm ô 1 vụ). Năm 2018, xảy ra 22 vụ (trong đó 10 vụ giao cấu, 1 vụ dâm ô, 1 vụ bạo hành). Riêng trong quý 1-2019, huyện này để xảy ra 14 vụ xâm hại trẻ trong đó có 7 vụ giao cấu.
Đại diện Công an huyện Bình Chánh thông tin về nạn xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện.
Như vậy, trong hơn 2 năm huyện Bình Chánh xảy ra 52 vụ trẻ bị xâm hại, phần lớn nạn nhân cũng như đối tượng thực hiện hành vi xâm hại là người ở địa phương khác đến, không có hộ khẩu thường trú tại Bình Chánh hoặc các quận huyện khác tại TP.HCM.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng xâm hại trẻ được huyện Bình Chánh chỉ ra là do đối tượng phạm tội hầu hết là những người thân thiết trong gia đình với trẻ, nhiều người có trình độ học vấn thấp, không am hiểu pháp luật, có suy nghĩ lệch lạc, không làm chủ hành vi của mình,…
Mặt khác, đa số các bậc phụ huynh trên địa bàn huyện là dân lao động, thu nhập thấp, bận đi làm tối ngày nên thời gian quan tâm, chăm sóc con cái còn hạn chế. Ngoài ra, cũng không ít trường hợp trẻ đang trong độ tuổi đi học nhưng ăn chơi, đua đòi có quan hệ tình dục.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM cũng như các thành viên trong đoàn giám sát nhấn mạnh mỗi trẻ bị xâm hại là ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe cũng như tương lai của trẻ. Phải làm hết sức và từ tâm, huyện Bình Chánh phải phòng chống nạn xâm hại trẻ một cách có hiệu quả chứ không để “chuyện đã rồi” mới xử lý, giải quyết hậu quả.
Lãnh đạo huyện Bình Chánh cũng như các cơ quan chức năng của huyện cam kết trong thời gian sắp tới sẽ chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để vấn nạn xâm hại trẻ em – đối tượng được pháp luật bảo vệ đặc biệt được giảm thiểu đến mức thấp nhất có thể.