Mới đây, Bộ Công an có dự thảo báo cáo tổng kết và đánh giá tác động của chính sách về căn cước công dân (CCCD).
Trong dự thảo, Bộ Công an thông tin về những kết quả thi hành Luật CCCD, đồng thời chỉ ra những bất cập và đề xuất nhiều quy định mới.
Bộ Công an đề xuất bổ sung thông tin sinh trắc học của người dân (mống mắt, ADN, giọng nói) vào dữ liệu căn cước công dân. Ảnh minh họa: TUYẾN PHAN |
Một nội dung đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất chỉnh lý tên gọi cơ sở dữ liệu CCCD thành cơ sở dữ liệu căn cước.
Đồng thời, bổ sung một số nhóm thông tin vào cơ sở dữ liệu căn cước gồm: thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói), thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định tại Việt Nam, tài khoản định danh điện tử.
Trước đề xuất trên, báo chí đặt câu hỏi liệu việc bổ sung thông tin về sinh trắc học - trong đó có ADN – có thực sự cần thiết, có làm phát sinh thêm chi phí (xét nghiệm để xác định ADN), tính hiệu quả ra sao…?
Trả lời vấn đề này, Đại tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), cho biết việc thu thập, bổ sung ADN vào CCCD là cần thiết, phục vụ lợi ích của nhân dân.
“Ví dụ như trong ngành y để phục vụ xác định huyết thống, hoặc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm xác định, truy tìm tung tích nạn nhân. Hàng năm, rất nhiều nạn nhân tử vong không xác định được nhân thân. Nếu như có dữ liệu ADN thì việc kiểm tra, xác định danh tính đối với những trường hợp này sẽ thuận tiện” – ông Dũng dẫn chứng.
Vẫn theo Cục phó C06, cơ quan này đang đăng tải lấy ý kiến đóng góp của người dân để sửa Luật CCCD, trong đó có nội dung liên quan đến việc thu thập, bổ sung ADN vào CCCD.
Căn cứ vào tình hình thực tế cũng như xu hướng trên thế giới, Cục nhận thấy việc thu thập, bổ sung ADN vào CCCD là rất cần thiết, cần phải đưa vào luật.
Quá trình thu thập, bổ sung những dữ liệu ADN vào CCCD sẽ được Bộ Công an thực hiện đúng quy định, đảm bảo các yêu cầu bảo mật thông tin.