Vụ làm CCCD “dịch vụ” ở Gò Vấp: Vi phạm đến đâu xử lý đến đó

(PLO)- Về việc làm CCCD “dịch vụ” ở quận Gò Vấp, quan điểm của Công an TP.HCM là vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, các cơ quan thanh tra, điều tra cũng đang làm rõ các dấu hiệu vi phạm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 30-6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội TP.HCM đã tổ chức họp báo về công tác phòng chống dịch và tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp sáu tháng cuối năm 2022.

Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề dư luận quan tâm được lãnh đạo các sở, ngành giải đáp.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu (PV01) Công an TP.HCM, phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu (PV01) Công an TP.HCM, phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

“Vi phạm của Đại úy Minh có tính chất đơn lẻ”

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu (PV01) Công an TP.HCM, đã có thông tin về sai phạm của Đại úy Lê Ngọc Minh trong vụ làm CCCD “dịch vụ” ở quận Gò Vấp. Theo Thượng tá Hà, vụ việc này xảy ra khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5, đây là thời điểm ngành công an tập trung cao điểm cấp CCCD cho học sinh thi tốt nghiệp.

Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh, Ban giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo Thanh tra TP phối hợp với Công an quận Gò Vấp thực hiện xác minh, điều tra, xử lý vụ việc. Trước mắt, Công an TP đã tạm đình chỉ công tác đối với Đại úy Minh để kiểm điểm, xem xét xử lý kỷ luật nghiêm.

“Quan điểm của Ban giám đốc Công an TP là vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó” - Thượng tá Hà nói và cho biết các cơ quan thanh tra, điều tra đang làm rõ các dấu hiệu vi phạm.

Về kết quả điều tra ban đầu cho thấy hành vi vi phạm của Đại úy Minh có tính chất đơn lẻ, lợi dụng vị trí công tác trong tiếp nhận hồ sơ để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của lực lượng.

Khi vụ việc xảy ra, Công an TP đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh. Trong đó, giao thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên các cá nhân, tập thể có cách làm hay; tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm tiêu cực như gây phiền hà, sách nhiễu người dân.

“Sau vụ việc ở quận Gò Vấp, Ban giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo công an các đơn vị nghiệp vụ thành lập các đoàn kiểm tra ở từng địa phương” - Thượng tá Hà nhấn mạnh và cho biết Công an TP cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp, xử lý các bất cập trong việc thu nhận và trả CCCD để tạo điều kiện cho người dân nhận được hồ sơ nhanh chóng, hạn chế tiêu cực... Đồng thời kiểm tra quy trình, hồ sơ làm CCCD để hạn chế tiêu cực, quy trách nhiệm đối với cán bộ, chỉ huy có liên quan.

Ngoài ra, các trường hợp phản ánh, kiến nghị liên quan đến công tác cấp CCCD, đặc biệt là về thái độ của cán bộ khi tiếp xúc với người dân thì các đơn vị đều phải tiến hành kiểm điểm, hạ thi đua.

TP.HCM đang rà soát nhằm tìm ra đội ngũ cán bộ, công chức vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, vừa thực hiện đúng chỉ đạo của trung ương về tinh giản biên chế.

Đề nghị duy trì 88 thủ tục tiếp nhận và trả kết quả trong ngày

Liên quan đến Tháng hành động tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trong ngày, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết sau khi kết thúc tháng hành động, các đơn vị vẫn tiếp tục thực hiện việc này.

Qua đó, lãnh đạo TP.HCM khuyến khích các đơn vị tiếp tục duy trì 88 thủ tục được tiếp nhận và trả kết quả ngay trong ngày. Tuy nhiên, việc kéo dài này được thực hiện ra sao vẫn phụ thuộc vào thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.

Tính đến ngày 29-6, qua báo cáo của 16 đơn vị gửi về Sở Nội vụ cho thấy khối quận, huyện và TP Thủ Đức đã tiếp nhận, giải quyết hơn 71.000 hồ sơ; cấp xã giải quyết hơn 64.000 hồ sơ; khối sở, ban ngành tiếp nhận hơn 1.100 hồ sơ với tỉ lệ đúng hạn 100%.

Về tình trạng dôi dư biên chế công chức, viên chức tại TP.HCM, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết số lượng cán bộ, công chức, viên chức của TP có tăng so với quy định là do yếu tố lịch sử nhiều năm, chứ không phải bây giờ mới có.

Cùng với đó, do đặc thù dân số TP đông nên số lượng cán bộ, công chức, viên chức phải phù hợp thì mới đáp ứng được yêu cầu giải quyết lượng công việc nhiều. TP đang khẩn trương rà soát, tổng kiểm tra nhằm vừa tìm ra đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng nhu cầu thực tiễn của TP, vừa đúng theo chỉ đạo của trung ương về tinh giản biên chế.

Ông Hải cũng thông tin về tình trạng thiếu kinh phí khen thưởng cho cán bộ y tế chống dịch. Theo ông Hải, quan điểm của lãnh đạo TP là quan tâm, trân trọng, cám ơn lực lượng y bác sĩ, do đó đã có những biện pháp, phần thưởng tặng cho lực lượng này.

Dù vậy, việc thực hiện ở một số nơi chưa được đầy đủ nên lãnh đạo TP đã giao Sở Y tế và các quận, huyện tập hợp lại những khoản kinh phí cho phòng chống dịch chưa được chi để trình lãnh đạo TP. Từ đó nhanh chóng chuyển những phần chế độ khen thưởng cho lực lượng y tế chống dịch, để không có ai đủ tiêu chuẩn mà không được hưởng.•

Vận động người dân tiêm nhắc vaccine đúng lịch

Tại buổi họp báo, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết tất cả bệnh viện (BV) quận, huyện trên địa bàn TP đều có đơn vị, khoa điều trị COVID-19 với số giường bệnh chiếm khoảng 10% số giường của toàn BV và có thể theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch.

“Khi nào số ca nhập viện điều trị tăng cao, có nghĩa số ca mắc mới lấp đầy các khoa, đơn vị điều trị COVID-19 tại các BV quận, huyện thì sẽ lần lượt kích hoạt các BV dã chiến” - bà Như nói rõ. Cũng theo bà, thông điệp chính của Sở Y tế là muốn 10 địa phương hãy tăng cường vận động người dân tiêm nhắc vaccine đúng lịch, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch trở lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm