Ngày 7-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Chu Ngọc Anh, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ông Chu Ngọc Anh, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, bị Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam trong vụ án liên quan đến kit test Việt Á. Ảnh: PLO |
Trước đó, HĐND TP Hà Nội tổ chức kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định về công tác nhân sự theo thẩm quyền. Tại kỳ họp, 100% đại biểu HĐND TP Hà Nội có mặt nhất trí thông qua việc bãi nhiệm chức danh Chủ tịch UBND thành phố đối với ông Chu Ngọc Anh.
Hôm 6-6, Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường, quyết định hình thức kỷ luật đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh (nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN)
Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành khai trừ ra khỏi Đảng ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.
Ông Chu Ngọc Anh bị xác định suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, Bộ KH&CN.
Công an xuất hiện tại khu vực gần nhà ông Chu Ngọc Anh chiều 7-6. Ảnh: NHƯ LOAN
Cũng theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian lãnh đạo Bộ KH&CN, ông Chu Ngọc Anh đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số cán bộ là lãnh đạo bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Cụ thể, ông vi phạm trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Học viện Quân y; trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty CP Công nghệ Việt Á (viết tắt là Công ty Việt Á) và một số cá nhân.
Đề tài nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 do Học viện Quân y chủ trì, có sự tham gia của bốn thành viên Công ty Việt Á. Đề tài này là nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, được thực hiện từ tháng 2-2020, với tổng kinh phí chi từ ngân sách gần 19 tỉ đồng.
Tháng 3-2020, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 đề tài (thuộc Bộ KH&CN) họp và đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho hai bộ sinh phẩm LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-PCR Kit và LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit. Xuất phát từ đề nghị trên, cùng với một số căn cứ khác, Bộ Y tế lần lượt cấp phép tạm thời rồi cấp phép lưu hành cho sản phẩm.
Đáng chú ý, website của Bộ KH&CN từng đăng tải thông tin về việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận bộ kit test do Công ty Việt Á sản xuất. Tuy nhiên, sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án, thông tin này đã bị gỡ bỏ vì “có sai sót”.