Theo đó, Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã thống nhất các nội dung như: Cần thiết phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Bộ và Hội trong việc nâng cao chất lượng dạy học Lịch sử ở các cơ sở giáo dục nói chung và dạy học Lịch sử ở các trường phổ thông nói riêng.
Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người học, cha mẹ học sinh, sinh viên, cán bộ quản lí, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục và các lực lượng xã hội về vị trí, tầm quan trọng và sự cần thiết của môn học Lịch sử trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Tổ chức các hội thảo khoa học chuyên đề về đổi mới dạy học Lịch sử như: đánh giá thực trạng dạy học, quản lý hoạt động dạy học Lịch sử ở các cơ sở giáo dục phổ thông; thực trạng đội ngũ giáo viên môn Lịch sử và việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy học môn Lịch sử trong thời gian vừa qua...
Hai bên đồng thời, góp ý xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa (SGK) môn học Lịch sử ở các trường phổ thông sau năm 2015 đảm bảo tính khoa học, hiện đại phù hợp với thực tiễn Việt Nam...
Đổi mới việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy học môn Lịch sử ở các trường phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015.
Bản ghi nhớ cũng nêu rõ, thành viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tham gia xây dựng, biện soạn, thẩm định chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015. Cùng với đó, những học sinh có thành tích xuất sắc trong các kì thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, thủ khoa môn Lịch sử... sẽ được nhận thưởng từ Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam.
Theo Hồng Hạnh ( Dân trí)