Bộ GD&ĐT phát động Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2023

(PLO)- Chiều 2-8, Bộ GD&ĐT họp báo công bố Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” lần thứ VI – Năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Bộ GD&ĐT phát động Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2023 ảnh 1

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Minh Trúc

Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp Giáo dục; về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục.

Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại họp báo. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại họp báo. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, năm 2023 là năm thứ 6 Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” được tổ chức. Mùa giải trước, BTC đã nhận được gần 800 tác phẩm tham dự, ở 4 loại hình báo chí, gồm: Báo in, báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá chất lượng các tác phẩm dự thi ngày càng tốt hơn, phản ánh đậm nét về đời sống giáo viên và bám sát vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức.

Tại họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi về việc số lượng bài viết phản ánh tiêu cực đạt giải còn ít, nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban thường trực BTC - cho biết, trên thực tế, số lượng tác phẩm đạt giải nhiều hay ít không phụ thuộc vào tính chất của tác phẩm mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Các tác phẩm đạt giải được đánh giá từ nhiều mặt như tính chất nghiệp vụ, khả năng cống hiến, ý nghĩa của tác phẩm, sự đón nhận của công chúng liên quan đến nội dung tác phẩm phản ánh.

Theo ông Phạm Tiến Toàn - Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, Thành viên ban chỉ đạo, BTC đánh giá rất cao ý kiến của các nhà báo liên quan đến truyền thông và phản biện chính sách. Những thông tin phản biện từ người dân và các nhà báo là rất quý giá.

Việc đánh giá tác phẩm đoạt giải không phải chỉ là khía cạnh tích cực hay tiêu cực mà gồm nhiều tiêu chí khác nhau. Vì thế, BTC sẽ căn cứ tiêu chí bám sát các chủ trương, nhiệm vụ của ngành Giáo dục; thậm chí là câu chuyện về quản lý của ngành, phản biện chính sách, miễn sao phải mang tính xây dựng.

Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” lần thứ VI Năm 2023 là giải thưởng dành cho các tác phẩm báo chí (thuộc 4 loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) được đăng tải trên các loại hình báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, phát hành trong nước và ở nước ngoài từ ngày 05-9-2022 đến hết ngày 05-9-2023.

Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài và có thể thực hiện đan xen bằng nhiều thể loại báo chí.

Thời lượng tối đa cho tác phẩm phát thanh là 60 phút. Thời lượng tối đa cho tác phẩm truyền hình là 120 phút.

BTC không xét các tác phẩm đang chờ đánh giá và kết luận của các cơ quan có thẩm quyền. Không nhận các tác phẩm mang tính hư cấu (như tiểu phẩm, câu chuyện văn nghệ, phim truyện…).

Và các tác phẩm được xét trao Giải phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm công bố.

Về cơ cấu giải thưởng, giải bao gồm 1 giải Đặc biệt; 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích cho mỗi loại hình; Giải nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải (2 nhân vật).

Thời gian nhận tác phẩm là từ ngày phát động đến hết ngày 30-9-2023.

Lễ tổng kết và trao giải dự kiến được tổ chức và truyền hình trực tiếp trên VTV vào ngày 18-11-2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm