Báo cáo tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều 16-5, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, thông tin về quá trình biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) của riêng Bộ GD&ĐT.
Theo ông Nhạ, về việc thực hiện và triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã hai lần tổ chức đấu thầu nhưng không tuyển chọn được đủ tác giả để biên soạn bộ SGK chuẩn.
Lý do được ông Nhạ đưa ra là vì ngay sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới vào tháng 12-2018, Bộ GD&ĐT đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không tuyển được đủ số lượng tác giả. Hầu hết chuyên gia đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản và đến nay, các nhà xuất bản cũng đã đưa ra những thành phẩm là tập SGK lớp 1, có nhà xuất bản đang trong quá trình soạn thảo SGK lớp 2. Vì các ứng viên không thể ký hợp đồng với Bộ GD&ĐT để biên soạn từ đầu một bộ đầy đủ SGK từ lớp 1 đến lớp 12 nên Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn SGK được.
Đến ngày 26-2 vừa qua, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức đấu thầu lần hai để tuyển chọn tác giả biên soạn một bộ SGK. Ứng viên nộp hồ sơ đăng ký tham gia đã đáp ứng yêu cầu về số lượng chủ biên, tác giả, biên tập viên cần tuyển chọn để tổ chức biên soạn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6.
“Tuy nhiên, các tác giả yêu cầu nhuận bút lâu dài nhưng điều này Bộ không thể đáp ứng dẫn đến thương thảo giữa hai bên chưa thành công” - ông Nhạ nói.
Cũng theo ông Nhạ, 15 triệu USD vay làm bộ sách chuẩn vẫn trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới.
Mặc dù Bộ GD&ĐT không trực tiếp biên soạn được một bộ SGK nhưng bộ trưởng cho rằng Bộ GD&ĐT vẫn đảm bảo có đủ sách triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặt khác, khi bộ không có một bộ SGK riêng càng tạo điều kiện cho các nhà xuất bản cạnh tranh công bằng hơn.
“Đây sẽ là thuận lợi cho việc phát triển xã hội hóa biên soạn SGK, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà xuất bản theo quy định bình ổn giá sách” - bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết.
Qua đây, Bộ trưởng Nhạ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bộ không tổ chức biên soạn bộ SGK riêng bằng ngân sách nhà nước nữa.
Trong báo cáo, Bộ trưởng Nhạ nêu nhiều đầu việc Bộ GD&ĐT đã hoàn thành như tổ chức tổng kết đánh giá SGK hiện hành, xóa độc quyền SGK của Nhà xuất bản Giáo dục, ban hành thông tư để huy động nhiều nguồn lực biên soạn nhiều bộ sách; thẩm định, phê duyệt năm bộ sách giáo khoa lớp 1 do các nhà xuất bản tự biên soạn…