Bộ Lao động đề xuất lộ trình giảm tỷ lệ hưởng lương hưu

Bộ Lao động đề xuất lộ trình giảm tỷ lệ hưởng lương hưu ảnh 1Cách tính lương hưu sẽ được thay đổi từ năm 2018. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đề xuất này được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Theo dự thảo, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh theo lộ trình từ năm 2016.
Người lao động nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%,mức tối đa bằng 75%.
Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội tăng dần theo từng năm: năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Bộ Lao động đề xuất lộ trình giảm tỷ lệ hưởng lương hưu ảnh 2
Như vậy, từ năm 2018 trở đi, lao động nữ nghỉ hưu phải có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được nhận tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 75% và lao động nam nghỉ hưu từ 2022 trở đi phải có đủ 35 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được nhận mức lương hưu tối đa 75%.
Dự thảo cũng quy định mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi. Theo đó, người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ.
Người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ.
Đặc biệt, trong dự thảo lần này, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đề xuất, lao động nữ từ đủ 47 tuổi trở lên khi nghỉ việc và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc cạo mủ cao su thì được hưởng lương hưu (giảm 3 tuổi so với hiện hành).

Theo HỒNG KIỀU (VIETNAM+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm