Bộ Tài chính nói gì về mức giảm trừ gia cảnh hiện nay?

(PLO)- Cử tri một số địa phương kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh và sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Vừa qua, cử tri 6 tỉnh thành là TP.HCM, Hà Nội, Bắc Kạn, Đồng Nai, Lạng Sơn, Nghệ An có kiến nghị xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo hướng điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế TNCN cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, mức sống hiện nay và phù hợp với chủ trương tăng lương của nhà nước kể từ ngày 1-7.

20% dân số có thu nhập bình quân cao nhất là 10,86 triệu đồng/tháng/người.

Về việc này, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời. Theo đó, TNCN làm căn cứ tính thuế đã được trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định...

Theo Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng 4 năm qua cộng lại tăng chưa đến 20% nên chưa đủ căn cứ nâng mức giảm trừ gia cảnh. Ảnh: X.Đ

Để đánh giá TNCN trên bình diện toàn xã hội, Bộ Tài chính dẫn báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê. Theo đó thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam là 4,96 triệu đồng. Trong đó, nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người.

Theo Luật Thuế TNCN hiện hành, mức giảm trừ cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, cao gấp 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến 0,5-1 lần mà các nước thường áp dụng. Mức giảm trừ gia cảnh này cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất.

Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

Lạm phát thấp, chưa đủ căn cứ nâng mức giảm trừ gia cảnh

Về yếu tố trượt giá, Bộ Tài chính dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê CPI các năm 2020, 2021, 2022, 2023 tăng lần lượt 3,23%, 1,84%, 3,15% và 3,25%. Cộng lại thì so với thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất là năm 2020, CPI mới tăng 11,47%.

Như vậy, biến động chỉ số giá tiêu dùng chưa tới 20% - mốc mà theo Luật Thuế TNCN, Chính phủ có trách nhiệm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả.

Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ 1-1-2009 quy định mức giảm trừ đối với đối tượng người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Đến năm 2012, luật này được sửa đổi theo hướng nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Đồng thời bổ sung quy định trường hợp CPI biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Trên cơ sở đó, tháng 6-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 954/2020 nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Nay với kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới