Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích về mức giảm trừ gia cảnh đang 'lạc hậu'

(PLO)- Trước những kiến nghị của đại biểu về mức giảm trừ gia cảnh hiện đã quá lạc hậu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng cơ quan này đang làm đúng luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giải trình tại phiên thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội chiều 29-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải thích về thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh trước mà các đại biểu đã nêu trước đó.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ 2009, khi đó giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế khoảng 4 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ người phụ thuộc 1,6tr đồng/tháng.

Tới năm 2013, Luật sửa đổi, nâng mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng với người nộp thuế, tức 108 triệu đồng/năm; người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Luật cũng bổ sung điều kiện khi CPI biến động 20% thì sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm trừ gia cảnh.

Đến năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh được nâng một lần nữa, lên 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng, áp dụng từ đó đến nay.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: 'Bộ Tài chính đang làm đúng luật'
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói về việc sửa thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: PHẠM THẮNG

Như vậy, theo ông Hồ Đức Phớc, người có thu nhập và một người phụ thuộc thì thu nhập 17 triệu đồng/tháng trở lên mới phải nộp thuế. Tương tự, người có thu nhập 22 triệu đồng trở lên, có hai người phụ thuộc mới phải đóng thuế. Các mức này chưa gồm các khoản bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp…

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay hiện cơ quan này chưa trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh Luật thuế thu nhập cá nhân. Lý giải ông nói: So với số liệu của Tổng cục Thống kê, mức giảm trừ với người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng đang cao hơn thu nhập bình quân 2,2 lần (4,96 triệu đồng/người/tháng). Trong khi tỷ lệ này ở các nước là dưới 1 lần.

Ngoài ra, bình quân CPI từ 2020 đến nay là 11,74%, thấp hơn điều kiện điều chỉnh thuế (CPI phải trên 20%). “Bộ Tài chính đang làm đúng luật”- ông Hồ Đức Phớc nói.

Ông cũng thông tin thêm Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa luật này vào chương trình xây dựng pháp luật tháng 10-2025, thông qua vào kỳ họp tháng 5-2026. Tuy nhiên, trường hợp Thường vụ Quốc hội quyết định trình luật sửa đổi vào kỳ họp cuối năm nay và thông qua tại kỳ họp vào tháng 5-2025, Bộ Tài chính sẽ chấp hành.

“Khi đó, chúng tôi sẽ xin ý kiến các đối tượng chịu tác động, để đưa ra quy định phù hợp về thuế suất, mức giảm trừ và có bỏ hay không điều kiện về mức tăng CPI” – ông Hồ Đức Phớc nói.

muc-giam-tru-gia-canh-qua-lac-hau-dai-bieu-kien-nghi-sua-doi-ngay.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn). Ảnh: PHẠM THẮNG

Ý kiến trong phiên thảo luận sáng cùng ngày, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu/tháng là quá lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình, nhất là các TP lớn.

“Có mặt hàng dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập” - ĐB nói và đề nghị Quốc hội cần xem xét sửa đổi sớm luật thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10 năm nay và thông qua tại kỳ họp tháng 5-2025 mà không nên chờ đến hai năm nữa mới được thông qua như dự kiến.

Bởi theo bà, nếu phải chờ thêm hai năm nữa mới thông qua việc sửa đổi quy định của luật Thuế thu nhập cá nhân như đề xuất sẽ có rất nhiều người dân phải thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân…

Cạnh đó, đại biểu Thủy cũng chỉ ra sự bất hợp lý trong tính theo rổ hàng hóa CPI, lương tăng nhưng thuế thu nhập và giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời...

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hoà Bình) cũng cho rằng cần điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế chỉ đang ở mức 132 triệu đồng/năm, tương đương 11 triệu đồng/tháng; biểu thuế lũy tiến từng phần cũng cần nghiên cứu điều chỉnh nâng các mức thuế lũy tiến từng phần thu nhập (hiện nay phần thu nhập tính thuế đến 60 triệu/năm đã phải chịu thuế suất 5%.

Theo đại biểu Ngọc, Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành từ năm 2007, đến nay vẫn áp dụng thuế suất, biểu thuế từ năm 2007 là không còn phù hợp với thực tế. Từ năm 2007 đến nay, thu nhập bình quân, tăng trưởng GDP và quy mô kinh tế của Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn…

Do vậy, bà đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu sớm báo cáo Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng chỉ tính thuế đối với những người có thu nhập cao để phù hợp với yêu cầu, quy mô phát triển của đất nước và không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động có thu nhập thấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm