Sáng 23-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Đề xuất mức thuế chung với báo chí là 10%
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, dự thảo luật đề xuất bổ sung một số đối tượng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế này.
Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất cơ quan báo điện tử, truyền hình, phát thanh có thể được hưởng thuế ưu đãi 15%, giảm 5% so với hiện nay. Riêng báo in vẫn áp dụng mức ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay, thời gian qua các cơ quan báo chí nói nhiều về mức thuế thu nhập đối với các cơ quan báo chí.
Theo ông Vinh, báo chí là cơ quan báo chí cách mạng, 100% là cơ quan nhà nước. Nguồn thu của các cơ quan báo chí phần nhiều phụ thuộc vào quảng cáo nhưng hiện nay doanh thu quảng cáo tại các cơ quan báo chí giảm rất nhiều.
“Vì vậy, chúng tôi có làm việc với Bộ TT&TT và thống nhất đề xuất mức thuế chung với báo chí là 10% như báo in hiện nay”- ông Vinh nói.
Cần thêm giải pháp đảm bảo thu thuế qua nền tảng thương mại điện tử
Cũng theo Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn, dự thảo luật quy định rõ thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Thu nhập chịu thuế này bao gồm cả thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh.
Dự thảo luật không quy định cụ thể việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên nền tảng số và giao Chính phủ quy định.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Lê Quang Mạnh nói, thực tiễn phát triển các hoạt động kinh doanh thông qua thương mại điện tử và các nền tảng số xuyên biên giới cho thấy sự bất cập về khái niệm “cơ sở thường trú” tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay và các Hiệp định thuế.
Các quy định hiện nay chưa đáp ứng được thực tế của kinh doanh sử dụng cơ sở thường trú “ảo” - không có hiện diện vật lý.
Dự thảo luật vẫn giữ khái niệm cơ sở thường trú hiện hành về người nộp thuế. Theo đó, vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan đến nội dung về cơ sở thường trú về cơ bản chưa được giải quyết trong dự thảo luật.
Từ đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cần giải trình rõ hơn về nội dung này.
Vẫn theo cơ quan thẩm tra, dự thảo luật bổ sung quy định thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, bao gồm cả các thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh.
Điều này làm cho nội dung quy định trở nên mâu thuẫn, khó thực hiện, bởi không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đồng thời lại không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh.
Liên quan tới quan điểm thu thuế doanh nghiệp với các nhà cung cấp nước ngoài, dự thảo luật quy định quyền thu thuế này với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, thông qua việc quy định “không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh” để mở rộng phạm vi thu thuế.
“Đề nghị làm rõ về tính hiệu quả của các quy định này và nghiên cứu thêm các giải pháp chính sách khác để đảm bảo việc thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua nền tảng thương mại điện tử”- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nói.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, quy định này là chưa giải quyết được vấn đề thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài qua nền tảng thương mại điện tử.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, thực tế các nhà cung cấp nước ngoài chủ yếu là đối tượng cư trú tại các nước đã ký Hiệp định tránh thuế 2 lần với Việt Nam. Theo đó, Việt Nam chỉ được quyền đánh thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài trong trường hợp các doanh nghiệp này có cơ sở thường trú tại Việt Nam.