Như đã đề cập trong số báo trước, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3-2024 mới đây, đại diện Bộ Tài chính cho rằng biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa đến 20% nên chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh; dự kiến Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10-2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 5-2026.
Thông tin này khiến nhiều người thất vọng. Bởi theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ gia cảnh được cho là quá lạc hậu so với thực tế. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế đề nghị cần sửa Luật Thuế TNCN, nâng mức giảm trừ gia cảnh, giãn bậc thuế, giảm mức thuế suất xuống… ngay trong năm 2024 thay vì đợi đến năm 2026.
TS Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, luật và quản lý thuộc ĐH Kinh tế TP.HCM:
Dựa vào chỉ số giá tiêu dùng là chưa đủ
Việc Luật Thuế TNCN căn cứ theo biến động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là chưa sát thực tế. Chỉ số CPI chỉ là một nguồn dữ liệu tham khảo chứ không thể căn cứ vào đó để điều chỉnh, sửa đổi quy định về thuế, giảm trừ gia cảnh, liên quan đến thu nhập, cuộc sống của người dân.
Mặt khác, hiện những nghiên cứu chính sách kinh tế đều căn cứ, tham khảo, phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn chứ không thể mỗi nguồn là Tổng cục Thống kê.
Hiện nay có rất nhiều công nghệ để thu thập dữ liệu, do đó ngành thuế có thể áp dụng kỹ thuật số vào công tác khảo sát chi phí cuộc sống của người dân. Qua đó để từ đó điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, mức thuế suất cho kịp thời, sát với thực tế.
Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2024, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.
Tại nghị quyết kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV vào tháng 7-2023, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế TNCN.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính:
Nên sửa những bất cập ngay trong năm 2024
Nhiều quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành đã không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống nên bắt buộc phải sửa đổi. Từ mức giảm trừ gia cảnh thấp đến biểu thuế của bảy bậc thuế suất thuế TNCN quá dày, hay những căn cứ theo chỉ số CPI… đều rất bất cập.
Một trong những bất cập lớn nhất hiện nay là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Điều vô lý nữa là mức lương tối thiểu theo bốn vùng chênh nhau gần 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.
Khi những quy định pháp luật đang khiến người dân thêm khó khăn, bức xúc thì cơ quan quản lý như Bộ Tài chính phải đặt lợi ích của người dân lên trên để đề xuất sửa đổi Luật Thuế TNCN càng sớm càng tốt.
Luật sư TRẦN XOA, chuyên gia thuế:
Giảm bậc thuế để giảm gánh nặng nộp thuế cho dân
Quy định biểu thuế TNCN lũy tiến với bảy bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế là quá dày, cộng với thuế suất cao đã tạo ra gánh nặng không nhỏ đối với người nộp thuế. Bởi vì hiện nay có nghịch lý là lương của người lao động chỉ cần tăng vài trăm ngàn đồng mỗi tháng là dễ bị rơi vào bậc thuế cao hơn.
Vì vậy theo tôi, cần giãn khoảng cách giữa các bậc thuế nhiều hơn nữa từ bảy bậc xuống còn 3-4 bậc. Làm được như vậy sẽ tránh được chuyện khoảng cách giữa các bậc quá hẹp, dẫn đến thu nhập của người dân vừa tăng một chút đã phải chịu bậc thuế cao hơn, làm tăng số thuế phải nộp.
Có thể chia làm bốn bậc thuế với phần thu nhập tính thuế được nâng lên, giãn rộng hơn. Ví dụ, bậc 1 với thuế suất 5% cho phần thu nhập tính thuế dưới 20 triệu đồng/tháng; bậc 2, thuế suất 10% đối với thu nhập tính thuế 20-50 triệu đồng/tháng…
Bên cạnh đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế cần tăng lên 18-20 triệu đồng/người /tháng ngay trong năm nay vì hiện nay chi phí ở các TP đều tăng cao, đắt đỏ.
Tóm lại, tôi cho rằng Luật Thuế TNCN hoàn toàn có thể đẩy nhanh tiến độ sửa đổi những quy định bất cập, lạc hậu và ban hành sớm gỡ khó cho người dân như chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ Tài chính cần điều chỉnh ngay mức thu nhập vãng lai tăng từ 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng/lần trở lên vì quy định này nằm ở thông tư mà Bộ Tài chính quy định, không phải nằm trong Luật Thuế TNCN đang chờ sửa đổi, bổ sung.
Việc tăng mức thu nhập vãng lai nhằm tránh trường hợp người có thu nhập thấp bị thu thuế, cuối năm phải đi hoàn thuế TNCN, vừa mất thời gian của người lao động và giảm áp lực cả cơ quan thuế.
Thu nhập vãng lai 2 triệu đồng bị khấu trừ thuế 10% được áp dụng từ năm 2013, đến năm 2017, Bộ Tài chính có đề xuất tăng lên 5 triệu đồng. Thế nhưng đến nay mức thu nhập khấu trừ thuế này vẫn không được điều chỉnh, dẫn đến tình trạng người nộp thuế đóng dư, bị giữ cả năm; cơ quan thuế quá tải, chi phí vận hành giải quyết hoàn thuế cũng tăng lên.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Có hóa đơn, người dân cần được khấu trừ chi phí khi tính thuế
Bộ Tài chính, Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất sửa Luật Thuế TNCN theo hư?ng hi?n ??i,ớng hiện đại, được khấu trừ các chi phí hợp lý liên quan tới thu nhập tính thuế. Luật có thể liệt kê những chi phí chính đáng của người dân được khấu trừ khi tính thuế TNCN.
Ví dụ, người nộp thuế có hóa đơn đầy đủ tiền thuê nhà, học phí của con, tiền lãi vay mua ngôi nhà đầu tiên, chi phí chữa bệnh hiểm nghèo… thì được khấu trừ khi tính thuế TNCN.
Hiện nay, ngành thuế đã áp dụng hóa đơn điện tử 100%, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế… Do đó, nếu quy định khấu trừ chi phí tính thuế TNCN hoàn toàn dễ dàng thực hiện.
Không lo nguồn thu thuế TNCN sẽ giảm ảnh hưởng ngân sách khi triển khai quy định trên, mà ngược lại còn giúp ngân sách nhà nước tăng thu, quản lý thuế chặt chẽ hơn, không thất thoát. Đơn cử, khi cho phép người nộp thuế khấu trừ tiền thuê nhà hằng tháng, chủ nhà buộc phải ký hợp đồng cho thuê, đúng giá thuê, đóng thuế thu nhập từ cho thuê nhà đầy đủ.
Tình trạng trốn thuế, lách luật giảm số thuế phải nộp của các chủ nhà cho thuê sẽ giảm dần. Với học phí, viện phí cũng tương tự, các trường, bệnh viện phải xuất hóa đơn rõ ràng.
Chưa sửa luật ngay thì phải giảm thuế cho người dân
Thuế TNCN hiện nay đang đánh vào đối tượng người làm công ăn lương, nắm “người có tóc” chỉ có mức thu nhập trung bình đến trung bình khá nhưng phải đóng mức thuế khá nặng. Chỉ cần thu nhập nhích một chút là lên bậc thuế cao hơn vì bậc thuế tương ứng với các mức thu nhập quá dày, sát.
Vì thế, nếu chưa sửa luật, chưa nâng mức giảm trừ gia cảnh kịp thời thì cần giảm thuế TNCN cho người nộp thuế. Như doanh nghiệp lúc khó khăn (thời điểm dịch năm 2020, 2021) đã được hỗ trợ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp thì người lao động cũng cần được giảm trong bối cảnh khó khăn.
Giảm thuế TNCN là hết sức cần thiết và nên làm vì nó giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho sản xuất, kinh doanh. Cá nhân cũng là những thành phần kinh tế, thành phần sản xuất. Vì thế giảm thuế TNCN là hợp lý và công bằng.
Luật sư PHẠM NGỌC HƯNG, Đoàn Luật sư TP.HCM