Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói về việc thiếu cát để làm các dự án cao tốc

(PLO)- Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết cần đánh giá kỹ lưỡng những tác động môi trường trong việc sử dụng cát biển, quan trọng là không được để đất nhiễm mặn.

Sáng nay (4-6), Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Người đầu tiên được Quốc hội chất vấn là Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh.

Phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cảm ơn Quốc hội đã tạo điều kiện để ông được giải trình các vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.

Theo ông Khánh, Bộ TN&MT phụ trách một lĩnh vực đa ngành, rất rộng, có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, trong đó có nhiều vấn đề rất nhạy cảm.

Báo cáo thêm một số vấn đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách, Bộ trưởng Khánh cho rằng hiện còn nhiều tồn tại mà ngành TN&MT cần giải quyết, tiếp thu trên tinh thần cầu thị.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) chất vấn về giải pháp đột phá trong việc tổ chức thực hiện khai thác vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án hạ tầng.

Trả lời, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay với cơ chế đặc thù của Quốc hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và sự đồng lòng của các địa phương thì việc tăng cường vật liệu cho các dự án đã có nhiều chuyển biến, rất hiệu quả. Để luật hóa việc này, ông Khánh cho biết Bộ TN&MT đã xây dựng tiêu chí phân loại bốn loại vật liệu xây dựng, trong đó nhóm 4 sẽ phân quyền hẳn về cho các địa phương.

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) cũng nhắc vấn đề thiếu cát làm đường cao tốc và hạ tầng. Trong đó, việc sử dụng cát biển thay thế cát sông còn nhiều vấn đề, có thể ảnh hưởng đến xâm nhập mặn, an ninh nguồn nước.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, cát biển được sử dụng cho các công trình hạ tầng được thực hiện theo đánh giá của hội đồng chuyên môn. Bộ TN&MT là đơn vị được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng cát biển. Mới đây, qua khảo sát thì ở khu vực biển gần Sóc Trăng có trữ lượng tương đối lớn, có thể khai thác cách bờ khoảng 20km và ở độ sâu mức 2 m.

Khi sử dụng cát biển, ông Khánh cũng nhìn nhận cần đánh giá tác động môi trường với yêu cầu là không được để đất nhiễm mặn. “Tôi đồng ý với ý kiến đại biểu Trần Kim Yến” - Bộ trưởng Khánh nói và cho biết Bộ Xây dựng sẽ là cơ quan đánh giá, quy định cụ thể.

Đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Bình) chất vấn về giải pháp duy trì các dự án khai thác alumin, đất hiếm, boxit.


Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh nói về việc thiếu cát để làm các dự án cao tốc. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói trữ lượng boxit, titan và đất hiếm của Việt Nam là khá lớn. Như đất hiếm là khoảng 2,7 triệu tấn, tài nguyên đất hiếm hơn 18 triệu tấn, tổng cộng khoảng hơn 20 triệu. Bộ TN&MT được giao lập đề án đánh giá về vấn đề này. Yêu cầu của Thủ tướng là phải khai thác – chế biến sâu và dùng cho các ngành sản xuất của Việt Nam.

“Thực trạng của chúng ta hiện nay là chế biến sâu chưa được nghiên cứu kỹ, thu hút đầu tư hoặc liên doanh chuyển giao công nghệ cũng chưa tốt” - Bộ trưởng Khánh nêu thực trạng và cho hay việc chế biến sâu các tài nguyên này được Chính phủ nhất quán chỉ đạo, yêu cầu các địa phương có đất hiếm như Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái… tăng cường quản lý, tránh khai thác trái phép.

Tại nhóm vấn đề về TN&M, các đại biểu sẽ tập trung chất vấn vào các nội dung như quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước.

Cùng đó là các giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới