CHẶT ĐỨT VÒI BẠCH TUỘC GIẤY PHÉP CON - BÀI CUỐI

Bộ trưởng phải gỡ bỏ ‘hòn đá tảng’ giấy phép con

Từ 1-7, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư chính thức có hiệu lực. Người dân và doanh nghiệp hy vọng sẽ được thực hiện quyền tự do kinh doanh hiến định tốt hơn, thuận lợi hơn, không còn bị các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) làm khó như trước đây.

Bên cạnh đó, hàng loạt nghị định về ĐKKD cũng được ban hành theo đúng kế hoạch. Tuy vậy, việc rà soát và cắt giảm các ĐKKD bất hợp lý, không minh bạch sẽ vẫn tiếp tục như quyết tâm của Chính phủ. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận một số ý kiến về quyết tâm này.

NGUYỄN CHÍ DŨNG, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT:

Chuyển từ tư duy tiền kiểm sang hậu kiểm

Tôi cho rằng đợt rà soát, cắt giảm các ĐKKD lần này đã chỉ ra thay vì đưa ra các ĐKKD hạn chế người dân gia nhập thị trường, Nhà nước cần đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn để giám sát, chuyển mạnh từ tư duy tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý dựa trên phân tích, đánh giá rủi ro.

Các thành viên Chính phủ đều thống nhất rất cao về mục tiêu, định hướng cải cách thể chế nói chung và cải thiện môi trường kinh doanh nói riêng. Sau ngày 1-7, quá trình rà soát các ĐKKD sẽ tiếp tục chứ không dừng lại.

Bộ KH&ĐT đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh để trình Chính phủ vào tháng 8 tới. Tất cả quy định không còn phù hợp với thực tiễn, trái với xu thế đổi mới và hội nhập, gây cản trở việc làm ăn kinh doanh thì phải bổ sung, sửa đổi.

Bộ KH&ĐT cũng phải rà soát Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; còn các bộ, ngành khác phải rà soát và sửa đổi các luật chuyên ngành theo tinh thần đó. Tôi cho rằng luật mới này sẽ cơ bản khắc phục được tình trạng phát sinh thêm các ĐKKD không hợp lý, không minh bạch.

Cùng với Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ, môi trường kinh doanh minh bạch, có thể tiên liệu và thân thiện với người dân và doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy. Mặt khác, trách nhiệm của người đứng đầu cũng sẽ được nâng cao, dẫn chiếu cụ thể để tránh tình trạng có một số công chức gây phiền hà cho doanh nghiệp vì những động cơ khác.

Theo nghị quyết của Chính phủ, Chính phủ sẽ lấy nguyên tắc phục vụ doanh nghiệp thay vì với cách thức nặng nề tính quản lý như trước kia. Các bộ, ngành cũng như chính quyền cần thân thiện hơn nữa với doanh nghiệp. Bởi khi doanh nghiệp thấy sự thân thiện của Chính phủ, pháp luật đồng bộ hiệu quả thì mới yên tâm bỏ tiền ra đầu tư, làm ăn.

Nhiều ý kiến cho rằng điều kiện kinh doanh gas gây khó cho doanh nghiệp nhỏ. Ảnh: HTD

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng Viện Quản lý nghiên cứu kinh tế Trung ương:

“Mắt xích” của cải cách là các bộ trưởng

Tôi nghĩ rằng so với yêu cầu, kỳ vọng về cải cách thực sự thì đợt rà soát, cắt giảm các ĐKKD vừa rồi chưa đạt nhưng có một số điểm tốt hơn.

Đầu tiên là bỏ những quy định giới hạn về quy mô như quy định sàn giao dịch bất động sản, chứng khoán phải có diện tích ít nhất 50 m2. Đây là tiền đề tốt để bỏ những quy định tương tự trong các lĩnh vực khác. Tiếp nữa là những yêu cầu về máy móc, thiết bị thì chuyển về quy chuẩn, bởi nếu ĐKKD là giấy phép, là “xin cho”, tiền kiểm thì quy chuẩn kỹ thuật sẽ là hậu kiểm, không cần giấy phép và giảm được phiền hà, rắc rối cho DN. Như vậy về nguyên tắc là bỏ được nhiều thứ.

Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm được hiểu là thay vì đặt ra các ĐKKD - đặt ra rào cản với doanh nghiệp ngay từ khi gia nhập thị trường thì cần quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng với hàng hóa sau khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Phải nói rõ ĐKKD là tiền kiểm, gánh nặng thực thi đè nặng lên vai doanh nghiệp.

Tuy vậy, việc rà soát các ĐKKD này phải là quá trình liên tục. Thủ tướng đã có những thông điệp mạnh mẽ về vấn đề này. Tôi cho rằng các bộ trưởng cần phải quan tâm đến việc rà soát, cắt giảm các ĐKKD hơn nữa. Các bộ trưởng phải hiểu được cái gì thực sự hợp lý hay không hợp lý. Phải hiểu, nghe và cảm nhận được cái gì là thuận lợi, cái gì là rào cản đối với doanh nghiệp và người dân. Bởi lẽ các bộ trưởng là những “mắt xích” cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành bại của công cuộc cải cách lần này.

VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Thà bỏ sótcòn hơn siết nhầmdoanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014 đã hiện thực hóa quan điểm về “quyền tự do kinh doanh” được khẳng định trong Hiến pháp 2013, bằng những quy định có tính cải cách, đột phá, đặc biệt là các quy định liên quan đến ĐKKD.

Nhưng cần lưu ý kết quả ngày hôm nay không phải là “ván đã đóng thuyền”, mà mới là bước đầu cho một cuộc cải cách thực sự. Nói cách khác đây mới là thời điểm bắt đầu hành trình cởi trói doanh nghiệp khỏi các ĐKKD vô lý, không cần thiết; giảm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong số 267 ngành nghề đã được quy định.

Thực sự ĐKKD chính là cơ chế xin cho. Quản lý nhà nước cần phải dùng quy chuẩn, chuyển sang hậu kiểm để giảm bớt “xin cho” trong đầu tư, kinh doanh. Làm được điều này, cả Nhà nước và doanh nghiệp đều giảm được gánh nặng. Đồng thời, quá trình rà soát các ĐKKD cần tuân thủ nguyên tắc thà bỏ sót ĐKKD còn hơn siết nhầm doanh nghiệp.

LS TRƯƠNG THANH ĐỨC, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam:

Tôi có niềm tin về bước tiến lớn

Tất cả ĐKKD được ban hành theo thông tư trong suốt 16 năm qua đều trái với Luật Doanh nghiệp năm 1999 cũng như 2005 và gần đây là trái với Luật Đầu tư năm 2014. Do đó, trong tình hình hiện nay, việc rà soát và cắt bỏ những ĐKKD là cần thiết và nên tiến hành liên tục.

Sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ trong đợt rà soát các ĐKKD lần này đã tạo ra sự thay đổi lớn. Đặc biệt, công tác thẩm tra của Văn phòng Chính phủ, của Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp đã rất sát sao, có những kết luận chính xác về nhiều ĐKKD.

Tôi có niềm tin rằng sẽ có bước phát triển lớn cả về nhận thức và thể chế kinh tế sau đợt rà soát về ĐKKD lần này.

Đề nghị bỏ hàng loạt giấy phép con

VCCI trong một thời gian rất ngắn đã phải rà soát 49 dự thảo nghị định về ĐKKD của các bộ, ngành, qua đó đã hoàn thiện 221 trang kiến nghị về 331 quy định, phục vụ các buổi họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ vừa diễn ra. Nhiều ĐKKD chung chung, định tính, dễ bị công chức lạm dụng làm khó doanh nghiệp, nảy sinh tham nhũng, quan liêu, cửa quyền đã bị VCCI đề nghị bỏ hẳn hoặc phải quy định rõ.

Chẳng hạn dự thảo nghị định quy định ĐKKD trong lĩnh vực nông nghiệp của Bộ NN&PTNT quy định về điều kiện cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm: Khu vực sản xuất, bảo quản thực phẩm không bị ngập nước, đọng nước; không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại... VCCI cho rằng cần phải bỏ quy định chung chung này.

Dự thảo nghị định của Bộ Công Thương cho rằng nhượng quyền thương mại là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng VCCI khẳng định nhượng quyền thương mại thực ra là phương thức kinh doanh và đề nghị bãi bỏ Nghị định 35/2006, 120/2011 và Thông tư 09/2006.

Trong quá trình rà soát, VCCI nhận thấy quy định liên quan đến giấy ủy quyền hoặc giấy chỉ định của chính hãng sản xuất trong Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương không được đề cập. Có ý kiến cho rằng quy định này chỉ là thủ tục hành chính, không phải là ĐKKD, do đó vẫn giữ ở thông tư. Ngược lại, VCCI cho rằng điều này không hợp lý và đề nghị bãi bỏ toàn bộ thông tư này.

Nghị định 19/2016 của Chính phủ do bộ này soạn thảo liên quan đến ĐKKD gas cũng được VCCI đề nghị thu hẹp điều kiện về quy mô, dung tích bồn chứa. Tuy vậy, theo TS Nguyễn Đình Cung, quy định này cần phải được loại bỏ để đảm bảo tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng. Nếu không, ngành gas sẽ rơi vào độc quyền.

_______________________________________

Thông điệp nhất quán của Thủ tướng

Trong quá trình rà soát các ĐKKD, thông điệp nhất quán của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là kiên quyết cắt giảm các quy định về ĐKKD, loại bỏ các giấy phép con bất hợp lý; quy định về điều kiện đầu tư phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới