CHẶT ĐỨT “VÒI BẠCH TUỘC” GIẤY PHÉP CON - BÀI 2

Lên đời giấy phép con thành nghị định

Luật Đầu tư quy định chỉ có nghị định của Chính phủ trở lên mới được quy định điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Các ĐKKD, giấy phép con do bộ, ngành ban hành, hầu hết nằm ở dạng thông tư, sẽ bị vô hiệu hóa từ 1-7-2016.

Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia kinh tế từ khi có Luật Đầu tư, các ĐKKD trái luật này sẽ không hề mất đi hay vô hiệu hóa mà sẽ được hợp thức hóa, “lùa” lên thành nghị định. Quả thật, từ tháng 5 đến nay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhận được gần 40 dự thảo nghị định về ĐKKD trong các ngành nghề khác nhau từ các bộ, ngành.

Đáng lo ngại là khi xây dựng nghị định về ĐKKD, nhiều bộ không cắt bớt các điều kiện được xem là vô lý hiện hữu đang hành người kinh doanh mà còn đưa vào đó những ĐKKD mới và “độc”. Như vậy về bản chất không thay đổi và sắp tới doanh nghiệp có nguy cơ sẽ tiếp tục bị hành bởi các ĐKKD trái luật trong nghị định. Điều này còn gây cản trở hơn cho cộng đồng doanh nghiệp vì văn bản càng có hiệu lực cao thì việc bãi bỏ càng khó hơn.

Ám ảnh “cơ sở vật chất”

Dự thảo nghị định về dịch vụ đào tạo lái xe, do Bộ GTVT soạn thảo, đã giữ quy định ĐKKD về phòng học đối với doanh nghiệp muốn dạy lái xe.

Điều kiện này hiện nằm ở Thông tư 46/2012. Theo đó, doanh nghiệp phải có đủ “hệ thống phòng học chuyên môn, phòng nghiệp vụ, đội ngũ giáo viên, xe tập lái, sân tập lái, tuyến đường tập lái…”. Khi nâng lên nghị định, Bộ GTVT vẫn giữ những điều kiện này mà không nói rõ mục đích của điều kiện trên.

Chính vì vậy, VCCI đã phải nhắc rằng các ĐKKD phải đúng mục đích “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” như Luật Đầu tư yêu cầu. Vậy ĐKKD về phòng ốc đặt ra vì mục đích gì? Với một số ngành nghề, lĩnh vực khác, quy định về diện tích, phòng ốc có thể là cần thiết. Ví dụ quy định về cơ sở vật chất, diện tích, phòng ốc đối với trường mầm non nhằm bảo đảm an toàn và sức khỏe, sự phát triển lành mạnh của các bé. Nhưng với nhiều ngành nghề khác, điều kiện về cơ sở vật chất là gánh nặng khi doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường lại không thấy rõ mục đích an toàn hay sức khỏe gì cả.

Trường dạy lái xe cần mặt bằng để thực hành lái xe chứ không cần phải phòng ốc hoành tráng để học lý thuyết. Ảnh: QN

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng chất lượng của học viên lái xe vẫn được bảo đảm nhờ công tác sát hạch nghiêm túc, kỷ luật, không phải nằm ở chuyện phòng học thế nào, có bao nhiêu phòng. Bản thân các cơ sở đào tạo phải tự cân nhắc các hoạt động của mình.

“Nếu không có đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chất lượng cao thì tỉ lệ thi đỗ sẽ không cao, không thu hút được học viên, không có nguồn thu và bị đào thải hoặc buộc phải thay đổi” - ông Tuấn nêu quan điểm.

Không riêng gì trường dạy lái xe, với ngành nghề kinh doanh hoạt động thể thao cũng bị Bộ VH-TT&DL đưa ra điều kiện phòng ốc. Dự thảo nghị định về ĐKKD hoạt động thể thao tiếp tục bắt doanh nghiệp phải “có cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định về điều kiện hoạt động chuyên môn của từng môn thể thao do bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ban hành”. Có chuyên gia đặt vấn đề: Cơ sở vật chất trong ngành nghề này có quyết định đến sức khỏe cộng đồng không?

Những con số vô hồn

Những điều kiện về phòng ốc trên được áp đặt vào những con số. Cụ thể, phòng học chuyên môn (trong trường dạy lái xe) phải “bảo đảm diện tích tối thiểu 50 m2 cho lớp học không quá 35 học viên, bảo đảm môi trường sư phạm”. Hoặc với cơ sở thể dục thể thao thì “diện tích sàn tập trong nhà hoặc sân tập phải từ 60 m2 trở lên”.

Trong tờ trình, Bộ VH-TT&DL giải thích rằng “phải từ 60 m2 trở lên nhằm bảo đảm không gian tập luyện phù hợp, môi trường không khí tốt”. Còn tại sao là 60 m2 thì bởi vì đây là “diện tích tối thiểu theo yêu cầu của hầu hết các môn thể thao hiện nay theo Thông tư 20 hiện hành”.

Con số 100 m2 lại được áp cho ngành nghề chứng khoán. Cụ thể, dự thảo nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán, do Bộ Tài chính soạn thảo, quy định “Diện tích sàn giao dịch chứng khoán tại trụ sở chính của công ty chứng khoán có nghiệp vụ môi giới chứng khoán tối thiểu là 100 m2”. Nội dung trên đã được “dồn” từ thông tư hiện hành lên cấp nghị định.

Tương tự, Bộ Xây dựng đưa ra điều kiện “sàn giao dịch bất động sản phải có diện tích tối thiểu là 50 m2 để hoạt động”.

Những con số 50, 60 hay 100 m2 nói trên không dựa trên một nghiên cứu nào trong nước hay nước ngoài về sức khỏe con người hay an toàn xã hội.

VCCI đã thẳng thắn góp ý ban soạn thảo chưa đưa ra giải trình thuyết phục về việc tại sao lại phải đáp ứng tối thiểu diện tích 100 m2 mà không phải là con số khác. Và tại sao sàn giao dịch chứng khoán lại phải đáp ứng một diện tích tối thiểu. Mặt khác, đối với các giao dịch chứng khoán, nhiều trường hợp nhà đầu tư không cần phải đến sàn giao dịch mới có thể thực hiện được các lệnh giao dịch, hay tìm hiểu được thông tin về các loại chứng khoán. Do đó, quy định cứng về diện tích tối thiểu của sàn giao dịch có căn cứ chưa vững chắc.

“Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo bỏ yêu cầu về diện tích tối thiểu” - VCCI đề nghị.

“Tôi đọc mà thấy buồn”

Tại các cuộc làm việc mới đây với các bộ, ngành, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt nội dung mà ông cho rằng cần xem lại trong các dự thảo nghị định về ĐKKD. Đơn cử là ĐKKD đối với việc thành lập trung tâm giáo dục cho người khuyết tật.

“Nhiều ĐKKD ràng buộc thực sự vô lý. Xây dựng một trung tâm giáo dục cho người khuyết tật mà đòi trung tâm phải có từ 150 học viên trở lên. Rồi các tiêu chí về đất đai, nhà cửa và phải theo quy hoạch. Tôi đọc cái đó thấy buồn!” - ông Cung nói.

Theo ông Cung, đối với người khuyết tật, một người cũng phải đào tạo. Đó là một ngành vô vị lợi, người dạy không nhất thiết phải dạy tại trường mà có thể dạy tại nhà, tại văn phòng. “Người ta có 1-2 học sinh khuyết tật thì cần gì trường lớp. Nếu quy định như vậy thì làm sao có những người sẵn lòng hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật?” - ông Cung nêu câu hỏi.

Những hạn chế về quy mô như trên, theo ông Cung, đã đặt người nghèo, vùng nghèo ra khỏi sự phát triển. Những giới hạn về quy mô này là cản trở cho các doanh nghiệp xã hội hoạt động tốt, nhất là thực hiện những dự án đào tạo nghề ở vùng sâu, vùng xa.

Diện tích có quyết định chất lượng?

Dự thảo nghị định về ĐKKD mũ bảo hiểm yêu cầu doanh nghiệp phải có “diện tích mặt bằng phù hợp với quy mô sản xuất”. Nhưng phù hợp là thế nào thì chưa quy định rõ ràng. Vì vậy VCCI cho rằng “diện tích mặt bằng không quyết định chất lượng của sản phẩm”. Có những ngành nghề đặc thù cần bố trí mặt bằng nhưng sản xuất mũ bảo hiểm thì không cần một mặt bằng đặc thù để phải quy định thành ĐKKD như thế.

_______________________________

Tại cuộc họp của Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành không “ào ào chép thông tư thành nghị định”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm