Tại phiên thảo luận tổ Quốc hội về kinh tế xã hội năm 2015 và nhiệm vụ năm 2016 diễn ra chiều 22-10, nhiều đại biểu QH đã truy Bộ GTVT về việc Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với tổng số kinh phí 14.259 tỉ đồng.
Theo ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội, thực tế dù số tiền dư lớn nhưng dự án làm chưa đầy đủ. Đơn cử đoạn QL qua tỉnh Quảng Nam theo thiết kế bốn làn xe nhưng thực tế chỉ có hai làn xe. “Quy mô thiết kế như vậy mà thi công bó hẹp lại. Nếu chủ đầu tư cho rằng dự án đã hoàn thiện là chưa hợp lý. Trước hết, các bên cần kiểm tra cả tuyến QL và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, xem đã đảm bảo đúng thiết kế hay chưa, rồi hãy bàn đến số dư trên” - ông Sơn nói.
Một đoạn nâng cấp QL 1A
Đại biểu Nguyễn Văn Tiền (Tiền Giang), phát biểu đáng lẽ ra dự án có khoảng 10 cây cầu vượt nhưng nay cắt giảm còn năm cầu, do đó tổng mức đầu tư mới giảm mạnh chứ không phải chỉ do đơn giá.
Đại biểu Ngọc Thanh (Hà Nội) kiến nghị Chính phủ cần làm rõ khoản dư hơn 14.000 tỉ đồng là do tiết kiệm hay do cắt giảm các hạng mục công trình của dự án. “Có hay không khoản tiền dư là do lập dự án chưa sát thực tế, gây lãng phí?” - ông Thanh đặt câu hỏi.
Giải đáp thắc mắc trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: "Khi Chính phủ báo cáo QH thông qua các dự án nâng cấp QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, mới phê duyệt 25/30 dự án. Các dự án từ khi lập dự án đến phê duyệt có chênh lệch 4.000 tỉ đồng. Trước đây khi nâng cấp đường sá mạnh ai nấy làm nên khoảng cách mặt đường rộng khác nhau; chẳng hạn như đoạn qua Ninh Binh rộng 60 m, nhiều nơi qua thành phố, thị xã là 25-35m. Tuy nhiên, khi làm dự án này chúng tôi thống nhất toàn tuyến là 20,5 m".
Theo ông Thăng, các dự toán đã được thẩm định của Bộ KHĐT, Bộ Xây dựng và đều theo quy trình chặt chẽ đúng quy định. Cụ thể, dự án giảm 10.000 tỉ đồng do tiết kiệm 5% chi phí theo chỉ đạo của Chính phủ; giảm 686 tỉ đồng do giải phóng mặt bằng nhanh. Giảm 6.200 tỉ đồng do giảm thời gian thi công nên không sử dụng chi phí dự phòng. Các cầu cũ sau khi kiểm tra chỉ gia công thêm, nên giảm chi phí cho các hạng mục.
Ông Thăng giải thích thêm khâu giải phóng mặt bằng nhanh đã góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án. Hằng quý, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều họp với các địa phương chỉ đạo giải phóng mặt bằng để bảo đảm đúng tiến độ. "Mấu chốt đem lại thành công của dự án chính là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ; không có dự án nào mà Chính phủ phân công ba Phó Thủ tướng phụ trách lo giải phóng mặt bằng, tiền và tiến độ chất lượng công trình như dự án này" - ông Thăng lý giải.