Bộ Tư pháp: Nhiều ‘đại án’ gặp khó trong việc thu hồi tài sản

(PLO)- Bộ Tư pháp cho biết năm 2022 đã thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt 16.000 tỉ đồng, tăng gần 12.000 tỉ đồng so với năm trước. Tuy nhiên, một số vụ án lớn vẫn gặp khó khăn trong xử lý tài sản.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại buổi họp báo do Bộ Tư pháp tổ chức vào chiều 26-12, báo chí đặt đặt câu hỏi về những vướng mắc liên quan đến việc thu hồi tài sản.

Ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, cho biết năm 2022, hệ thống thi hành án dân sự hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Cơ quan thi hành án dân sự cả nước thi hành xong về tiền đạt hơn 75.000 tỉ đồng, tăng hơn 64% so với năm 2021.

Trong đó, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt khoảng 16.000 tỉ, tăng gần 12.000 tỉ so với năm trước. Số tiền thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng cũng tăng gần 24% so với năm 2021.

Bộ Tư pháp trả lời các câu hỏi của báo giới. Ảnh: V.LONG

Bộ Tư pháp trả lời các câu hỏi của báo giới. Ảnh: V.LONG

Tuy nhiên, ông Lợi thừa nhận năm vừa qua vẫn có những vụ việc lớn, gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình thi hành án dân sự. Chẳng hạn, vụ xử lý tài sản là các lô đất liên quan dự án khu phức hợp thể thao sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng), liên quan vụ án Phạm Công Danh. Nguyên nhân là do thực trạng quy hoạch, việc xử lý các lô đất này gặp khó khăn.

Vụ bà Hứa Thị Phấn, cựu Cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank và đồng phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… hiện mới thi hành án 7.000 tỉ đồng, còn 9.000 tỉ đồng.

Khó khăn hiện nay là dự án Bệnh viện Đa khoa Phú Mỹ đang triển khai dở dang thì bị kê biên, không đủ điều kiện chuyển nhượng. Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc, chỉ đạo cơ quan thi hành dân sự các tỉnh, thành thu hồi triệt để tài sản liên quan.

“Trong năm 2023, dự kiến tiếp tục có những vụ việc nhất là các vụ án lớn sẽ có vướng mắc, khó khăn trong công tác thi hành án. Tổng cục sẽ phân tích, đánh giá kỹ các hạn chế, vướng mắc để xác định đúng, đầy đủ, khả thi phương hướng và giải pháp thực hiện…” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho hay.

Về việc thu hồi tài sản liên quan bị cáo bỏ trốn ra nước ngoài trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC, ông Lợi cho biết TAND TP Hà Nội đang xét xử. Trường hợp gặp vướng mắc phát sinh liên quan việc thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao triển khai thu hồi tài sản theo quy định, bao gồm việc tương trợ tư pháp.

Liên quan đến Bộ Công an chuẩn bị bỏ sổ hộ khẩu giấy, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực, khẳng định đã sẵn sàng cho công tác này.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đến nay đã có hơn 58,3 triệu dữ liệu hộ tịch các loại; duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã có hơn 8,1 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp mã số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ giữa hai cơ sở dữ liệu.

Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đã giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân về đăng ký khai sinh mới cho 1,8 triệu trường hợp; đăng ký khai sinh lại cho gần 910.000 trường hợp; đăng ký khai tử cho trên 740.000 trường hợp; đăng ký kết hôn cho khoảng 730.000 cặp và hàng triệu yêu cầu về chứng thực văn bản, giao dịch.

Về triển khai giấy kết hôn điện tử, ông Hải cho biết đang triển khai theo một dự án đầu tư công trung hạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm