Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) vừa mở Hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia giai đoạn 2022-2023 với 528 sản phẩm. Tổng giá trị các gói thầu là 8.890 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 7/2022 sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.
Trước đó, ngày 29-6, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) đã tổ chức lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023, và được Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 4325/QĐ-BYT ngày 8-9-2021.
Theo ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm, có 3 gói thầu gồm:
Gói thầu số 1 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Bắc giai đoạn 2022-2023 gồm 46 nhà thầu có sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiếp tục được mở Hồ sơ đề xuất tài chính.
Gói thầu số 2 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2022-2023 gồm 45 nhà thầu có sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tiếp tục được mở Hồ sơ đề xuất tài chính.
Gói thầu số 3 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Nam giai đoạn 2022-2023 gồm 45 nhà thầu có sản phẩm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiếp tục được mở Hồ sơ đề xuất tài chính.
Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) dự kiến trong tháng 7-2022 sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu. |
Trong đợt đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia năm nay, đại diện Trung tâm cho biết có tăng về số lượng và giá thuốc ở tất cả các vùng miền.
Sau hai năm chống dịch, nhu cầu người dân đi khám, chữa bệnh quay trở lại, vì vậy nhu cầu thuốc gia tăng, thậm chí có thuốc được mua với số lượng gấp đôi.
Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia cũng cho biết thêm, trước đó để đảm bảo đủ thuốc trong khi Trung tâm chưa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, ngày 24-11-2021, Trung tâm có văn bản số 580/TTMS-NVD đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, cơ quan y tế các Bộ, ngành hướng dẫn cơ sở y tế trực thuộc và đề nghị bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chủ động mua sắm.
Ngày 28-4-2022, Trung tâm tiếp tục có văn bản số 204/TTMS-NVD nhắc lại nội dung của văn bản nêu trên.
Theo đó, các đơn vị chủ động mua thuốc đối với danh mục thuốc cấp quốc gia, thời gian sử dụng không quá 12 tháng. Như vậy, phải đến tháng 11-2022 hoặc sau đó, việc thiếu thuốc tại các cơ sở y tế có thể bị ảnh hưởng từ kết quả đấu thầu thuốc quốc gia.
Thuốc trong danh mục thuốc đấu thầu cấp quốc gia có chi phí lớn và có số lượng sử dụng nhiều (như thuốc kháng sinh, thuốc tim mạch, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc điều trị ung thư…). Điều này nhằm phát huy tối đa hiệu quả của công tác đấu thầu tập trung và đưa giá thuốc về mức hợp lý.
Theo ông Lê Thanh Dũng, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã gửi thư đàm phán giá lần một với 62 thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn.