Năm 2017, ngành y tế nước ta trải qua hàng loạt sự cố y khoa đau lòng khiến nhiều người thiệt mạng. Mở đầu không thể không nhắc đến là sự cố y khoa nghiêm trọng khiến nhiều người chết trong vụ chạy thận ở Hòa Bình, vụ bốn trẻ tại Bệnh viện (BV) Sản nhi Bắc Ninh bị nhiễm khuẩn tử vong… Hậu quả của sự cố y khoa để lại là nạn nhân và gia đình trong các vụ tai biến y khoa vẫn phải chật vật làm việc nhiều lần với BV, thậm chí phải kiện ra tòa chỉ để có được mức bồi thường thỏa đáng. Nhiều nhân viên y tế không may vướng phải vòng lao lý khi đã hết lòng cứu người.
Quá nhiều nguy cơ tai biến y khoa
Nhiều câu hỏi đặt ra cho ngành y tế là làm sao hạn chế sự cố y khoa, nguyên nhân do đâu và cách xử lý thế nào cho trọn vẹn, làm thế nào cho năm mới ít sự cố y khoa hơn năm cũ. Đó không chỉ là mục tiêu của ngành y tế mà còn là trăn trở của PGS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trong buổi làm việc với báo chí chiều 3-1, bà Tiến cho rằng một trong những thiếu sót hiện nay của Bộ Y tế nước ta là chưa có hệ thống giám sát, thống kê về tai biến y khoa trên toàn quốc. Tuy nhiên, để sớm có thông tin nhằm quản lý các trường hợp tai biến y khoa tốt hơn, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý sự cố y khoa trong các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó tập trung hướng dẫn thống nhất quy định liên quan đến nhận diện, phân loại, báo cáo sự cố và một số nguyên tắc cơ bản trong việc khắc phục, xử lý, xác định nguyên nhân, phòng ngừa sự cố y khoa.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra sau sự cố y khoa tại BV Sản nhi Bắc Ninh. Ảnh: H.PHƯỢNG
Đặt vấn đề về nguyên nhân dẫn đến tai biến y khoa tại nước ta, bộ trưởng cho rằng BV chính là môi trường có nhiều nguy cơ để tai biến và sự cố y khoa xảy ra, như kê đơn nhiều thuốc, y lệnh không rõ ràng hoặc quá nhiều y lệnh do thói quen công việc một người pha thuốc, một người tiêm, một người sao y đơn thuốc. Tại một số BV, hiện tượng quá tải bệnh nhân cũng dẫn đến việc cắt xén hoặc làm tắt các quy trình chuyên môn. Vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi ích của người bệnh không được đặt lên hàng đầu dẫn đến việc lạm dụng thuốc.
Bên cạnh đó, y học mang tính xác suất và bất định cao, người bệnh trong các cơ sở y tế phải trải qua nhiều thủ thuật, phẫu thuật mà không thể làm lại, sử dụng các thiết bị nguy hiểm, thiết bị xâm lấn, các hóa chất độc hại cũng làm tăng nguy cơ sai sót trong y tế. Trong cấp cứu người bệnh, thời gian là điều rất quan trọng, nhân viên y tế cần phải cấp cứu với tốc độ cao, do vậy sự cố y khoa cũng dễ xảy ra. Dây chuyền khám chữa bệnh phức tạp, nhiều đầu mối, ngắt quãng, nhiều cá nhân tham gia trong khi hợp tác, trao đổi thông tin giữa nhân viên y tế chưa đầy đủ và kịp thời... Ngoài những sự cố tập thể, sự cố y khoa cá nhân gây ra cũng đang được xem là vấn đề nhức nhối.
“Còn nói đến việc bồi thường, vẫn còn khá nhiều lo âu. Khi người bệnh bị tai biến y khoa, việc bồi thường người bệnh và gia đình của họ sẽ được thực hiện theo Luật Khám chữa bệnh, còn một số rắc rối gặp phải thì chắc chắn cả hai bên đều không ai mong muốn mà chỉ để thỏa mãn thủ tục hợp pháp thôi” - bộ trưởng cho biết.
Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu, xây dựng các hướng dẫn, quy định cụ thể mức bảo hiểm, định mức cơ sở dữ liệu khác nhau về mức rủi ro, mức trách nhiệm bảo hiểm theo vụ việc, chuyên khoa/đa khoa, hạng BV. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ nhân viên y tế và cơ sở khám chữa bệnh. |
Bảo vệ nhân viên y tế bằng bảo hiểm
Một trăn trở khác được Bộ Y tế lưu tâm liên quan đến sự cố y khoa chính là việc mua bảo hiểm nghề nghiệp cho các bác sĩ trong trường hợp tai biến y khoa.
Theo bộ trưởng đánh giá, nghề y là một nghề đặc biệt, đối tượng cung cấp hay tiếp nhận dịch vụ khám chữa bệnh đều là con người, mà con người thì “nhân vô thập toàn”, vì vậy việc xảy ra các tai biến trong quá trình khám chữa bệnh luôn có khả năng xảy ra. Do đó, bảo hiểm trách nhiệm chính là hình thức bảo hiểm giúp chung sức giải quyết trách nhiệm cho người hành nghề, cho cơ sở khám chữa bệnh khi xảy ra tình huống tai biến không mong muốn đó.
Thế nhưng theo các báo cáo, tính đến thời điểm cuối năm 2015, số lượng BV đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm mới đạt gần 10%, gia hạn hợp đồng năm 2015 giảm so với năm 2014. Do bảo hiểm trách nhiệm là loại hình bảo hiểm mới mà các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam mới tiếp cận lần đầu, lại mang tính đặc thù chuyên môn cao nên cần có thời gian thử nghiệm, triển khai từng bước.
Đáng lo ngại khi có quá nhiều thầy thuốc bị hành hung Một trong những vấn đề mà tôi quan tâm và trăn trở nhất hiện nay là bảo đảm môi trường làm việc an ninh và an toàn cho người thầy thuốc. Năm 2017 vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế. Không chỉ thầy thuốc làm việc tại các BV, các trung tâm y tế lớn mà các thầy thuốc làm việc tại trạm y tế xã hay các đơn vị cấp cứu 115 cũng bị hành hung, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tinh thần làm việc. Có một thực tế đáng buồn là đa số người hành hung thầy thuốc không phải là côn đồ hay những đối tượng có tiền án, tiền sự mà là những người dân bình thường, trong số đó có cả những cán bộ trong bộ máy nhà nước hay doanh nhân thành đạt. Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN |