Bộ Y tế: Việc ký cam kết trách nhiệm các bên khi không đồng ý tiêm vaccine ngừa COVID-19 là cần thiết

(PLO)- Việc ký cam kết thể hiện chúng ta đặt vai trò cao hơn nữa công tác phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới và trong giai đoạn tiếp theo khi xuất hiện các biến thể mới.

Mới đây, UBND TP.HCM có văn bản yêu cầu các cơ quan, ban ngành, quận huyện cùng các tổ chức chính trị xã hội tăng cường thực hiện chiến dịch truyền thông vận động người dân tiêm vaccine phòng COVID-19.

Trong đó, UBND TP yêu cầu UBND các quận huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo trung tâm y tế trên địa bàn khẩn trương tiếp nhận hết vaccine đã được phân bổ để hoàn tất việc tiêm chủng cho người dân, đảm bảo trên 90% dân số trên địa bàn được tiêm mũi 3 và các đối tượng phù hợp tiêm mũi 4 được tiêm đầy đủ theo đúng quy định.

Đáng chú ý, UBND TP yêu cầu các địa phương tăng cường công tác truyền thông về tiêm vaccine và phòng chống dịch, người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh, đồng thời báo cáo số lượng người dân không đồng ý tiêm ngay sau khi đợt cao điểm kết thúc.

Không chỉ TP.HCM, nhiều địa phương khác trên cả nước cũng yêu cầu người dân không đồng ý tiêm vaccine ngừa COVID-19 phải ký cam kết.

Theo Bộ Y tế, tiêm vaccine phòng COVID-19 là yêu cầu của phòng chống dịch do đó người dân cần đi tiêm đúng lịch. Ảnh: CDC QUẢNG NINH

Trả lời báo chí tại buổi gặp mặt cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức chiều nay, 27-6, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tiêm vaccine phòng COVID-19 là yêu cầu của phòng chống dịch do đó người dân cần đi tiêm đúng lịch.

“Việc ký cam kết thể hiện chúng ta đặt vai trò cao hơn nữa công tác phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới và trong giai đoạn tiếp theo khi xuất hiện các biến thể mới.

Việc ký cam kết trách nhiệm các bên là cần thiết, đặc biệt là giữa chính quyền địa phương và người dân để hiểu rõ hơn về các biến thể mới và hiệu quả vaccine cũng như ứng phó biến thể mới” – ông Lân nói.

Theo chuyên gia dự phòng, virus SARS-CoV-2 luôn biến hóa khôn lường, trên thế giới đánh giá biến hóa của virus với 5 tiêu chí: Sự lây lan, mức độ nặng của bệnh, tăng sức chịu đựng lên đối với vaccine, giảm hiệu quả điều trị cũng như chẩn đoán…

Bình thường đại dịch đi theo xu hướng tăng lây lan, giảm dần xu thế dịch, hoặc là biến mất hoặc thành bệnh lưu hành. Tuy nhiên, SARS-CoV-2 biến hóa khôn lường, trải qua 5 đợt dịch với nhiều biến chủng khác nhau, trong chủng Omicron có đến 5 biến thể phụ.

“Tháng 9-2021, khi xuất hiện biến chủng Delta lây lan rất nhanh, người ta nghĩ đến kịch bản xem COVID-19 như bệnh lưu hành nhưng sau đó đến tháng 11-2021, Omicron xuất hiện lây lan quá nhanh. Bản thân biến thể BA.4, BA.5 hiện nay còn lây lan nhanh hơn BA.1, BA.2” – Giáo sư Lân nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết, thông điệp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rất rõ, nơi nào đấy chưa an toàn có nghĩa là vùng đó chưa tiêm chủng vaccine, vùng kháng thể chưa đảm bảo sẽ có nguy cơ lây nhiễm và có nguy cơ phát sinh biến thể mới. Tuy nhiên, qua các biến thể phát sinh, vaccine đáp ứng khác nhau với các biến thể nhưng đều giảm nặng, tử vong.

"Đến thời điểm hiện nay, ngưỡng miễn dịch (ngưỡng bảo vệ) vẫn chưa xác định, có nghĩa rằng chúng ta chưa biết được với ngưỡng kháng thể nào có thể bảo vệ được COVID-19" - đại diện Bộ Y tế cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới