Bốn hoạt cảnh về đô thị hóa ở VN

Bốn hoạt cảnh về đô thị hóa ở VN ảnh 1

Dù mỗi bộ phim kể một câu chuyện khác nhau, dưới những góc nhìn khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn là sự chuyển biến đến choáng ngợp của xã hội Việt Nam, những thân phận con người Việt Nam trước cơn lốc của quá trình đô thị hóa.

Mới mẻ, ấn tượng

Sự đổ bộ ào ạt của dòng người nhập cư từ các vùng quê ra thành thị đã gây sức ép cho hiện trạng giao thông tại các thành phố lớn. Tình trạng ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm gây mệt mỏi cho người dân và đau đầu cho chính quyền địa phương. Những chiến binh chống tắc đường (đạo diễn Phan Duy Linh) kể về một nhóm sinh viên tình nguyện, một kỹ sư và những phóng viên kênh VOV giao thông cùng chung tay giải quyết vấn đề nan giải này.

Ở một góc nhìn khác, quá trình đô thị hóa lại len lỏi vào căn nhà cổ nhỏ nhất Hà Nội chưa tới 2 m2, không điện, không nước, không có nhà vệ sinh của một bà cụ đã sống ở phố cổ hơn 40 năm nay. Để trùng tu cho Ô Quan Chưởng chào đón đại lễ 1.000 năm Thăng Long, bà cụ bắt buộc phải rời bỏ nơi mình gắn bó cả đời và không biết sẽ đi đâu, về đâu. Trong khi đó, một nhóm kiến trúc sư trẻ đã bỏ ra hàng tỉ đồng để thực hiện ý tưởng đập bỏ toàn bộ Hà Nội ngày nay để xây lại một tòa nhà lớn nhất cho mọi người ở thoải mái và hưởng thụ một cuộc sống có chất lượng nhất. Thành phố một nghìn năm (đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà) gửi đến một thông điệp: “Dù là ở trong một căn nhà nhỏ nhất hay một tòa nhà lớn nhất thì quan trọng nhất vẫn là kết cấu bên trong của nó, đó chính là mối quan hệ giữa con người và con người, tình cảm giữa người với người với nhau”.

Bốn hoạt cảnh về đô thị hóa ở VN ảnh 2

Rạp chiếu phim di động của ông Longmột thời thu hút đông đảo trẻ em đến xem, một ngày nào đó có thể chỉ còn lại trong ký ức của người dân Hà Nội. Ảnh: DISCOVERY

Vấn đề đô thị cũng gây sức ép lên việc bảo tồn các giá trị truyền thống. Những bộ phim tự tạo của ông Long được sưu tầm từ những cuốn phim cũ hay tự làm bằng cách vẽ trên giấy một thời thu hút sự tò mò, thích thú của biết bao nhiêu trẻ em, nay đang đứng trước nguy cơ phá sản khi những rạp chiếu phim hiện đại mọc lên. Vài năm nữa, có thể sẽ không tìm đâu ra Rạp chiếu phim di động của ông Long (đạo diễn Hoàng Mạnh Cường) trong Công viên Thủ Lệ. Những thước phim của ông sẽ là tư liệu quý giá của một thời làm phim thủ công độc đáo.

Khốc liệt nhất, quá trình đô thị hóa còn tác động đến cả người chết qua Câu chuyện cải táng (đạo diễn Đào Thanh Tùng). Trước sức ép của quá trình đô thị hóa, lễ cải táng, một nghi lễ truyền thống của Bắc Bộ có nguy cơ bị biến mất, nhường chỗ cho những tòa cao ốc hay khu chung cư. Nghĩa trang Văn Điển đóng cửa đồng nghĩa với việc hàng chục ngàn ngôi mộ ở đây sẽ phải hỏa thiêu hoặc kiếm một vùng đất khác để chôn vĩnh viễn và những người làm công việc bốc mộ cũng sẽ không có việc gì để làm.

Quá trình đô thị hóa mang lại nhiều thứ nhưng cũng cuốn đi nhiều thứ. Làm sao bảo tồn được những giá trị truyền thống trong cơn bão đô thị hóa luôn là nỗi trăn trở của mỗi người dân Việt Nam.

Chuyên nghiệp đến từng chi tiết nhỏ nhất

Lần đầu tiên phim tài liệu Việt Nam do chính đạo diễn Việt Nam làm ra hứa hẹn sẽ đem lại cảm giác mới lạ, độc đáo. Vì nói như đạo diễn Thanh Tùng: “Nếu như trong phim tài liệu Việt Nam, lời bình, lời phỏng vấn mang tính áp đặt, định hướng cho người xem để phục vụ nội dung tuyên truyền thì những lời bình ở đây hoàn toàn mang tính khách quan. Nhịp điệu, tiết tấu nhanh sẽ mang lại sự sống động cho bộ phim”.

Và để có được một câu chuyện 30 phút, các đạo diễn đã phải mất chín tháng để hoàn thành. Trong đó, quay phim 10 ngày, dựng phim 2-3 tuần nhưng khâu kịch bản mất tới hai tháng, có kịch bản phải sửa đi sửa lại hàng chục lần. “Thông thường, với cách làm phim tài liệu của Việt Nam là quay rồi về dựng nhưng ở đây, họ đòi hỏi một kịch bản chặt chẽ như phim truyện” - đạo diễn Mạnh Hà cho biết. Đạo diễn Thanh Tùng cũng cho rằng: “Thường thì mình hay làm theo một khuôn, tư duy một lần tưởng là đúng rồi và cứ như vậy mà làm. Nhưng làm việc với họ, mình phải tư duy liên tục, tư duy luôn động và không chỉ ghi lại thực tế mà còn phải bám sát thực tế, chính vì vậy phim sâu hơn rất nhiều”. Đạo diễn Thanh Tùng lấy ví dụ, chẳng hạn trong bộ phim Câu chuyện cải táng, khi kịch chưa làm bật rõ tính đô thị hóa thì họ bắt mình phải tư duy và đưa thêm nhân vật “cò” đất đang rêu rao đẩy giá đất nghĩa trang Văn Điển lên để bộ phim mang hơi thở thời sự.

Đạo diễn Mạnh Hà cho rằng: “Tuy là lần đầu tiên phối hợp với một kênh truyền hình lớn như Discovery nhưng thật ra đây chỉ là một dự án nhỏ. Nhưng dù nhỏ thì họ cũng không bỏ qua bất cứ một quá trình nào, cẩn thận đến từng chi tiết rất nhỏ, chính vì vậy mà phim có chất lượng rất tốt”.

Tối nay, Discovery phát sóng phim tài liệu Việt Nam

Vào 20 giờ tối nay (5-5), lần đầu tiên bộ phim tài liệu Việt Nam Những chiến binh chống tắc đường (Jam Busters) sẽ lên sóng kênh truyền hình Discovery khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là phim tài liệu mở đầu cho loạt bốn phim tài liệu nói về quá trình đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam được trình chiếu trong Travel & Living (Đi và sống), chuyên mục rất ăn khách của kênh Discovery hiện thu hút tới hơn 400 triệu người xem. Ba phim còn lại là Rạp chiếu phim di động của ông Long (Mr Long’s Travelling Cinema), Thành phố một nghìn năm (City of A Thousand Years) và Câu chuyện cải táng (Digging Up The Dead) sẽ lần lượt được chiếu vào 20 giờ tối thứ Năm những tuần sau đó và phát lại vào 7 giờ, 13 giờ và 23 giờ ngày thứ Sáu hôm sau.

Đây là bốn phim tài liệu xuất sắc nhất được lựa chọn trong cuộc thi Lần đầu làm phim với Discovery (First Time Filmmakers), do Quỹ Ford tài trợ, được tổ chức bởi kênh Discovery châu Á-Thái Bình Dương, hãng Uproar châu Á và Công ty RedBridge là quản lý dự án.

Phát động tại Việt Nam từ năm 2009, Lần đầu làm phim với Discovery đã thu hút 68 kịch bản của các nhà làm phim gửi về tham dự. Cuối cùng, bốn dự án trên đã đạt được những tiêu chí về tính độc đáo trong ý tưởng, chất lượng, được đầu tư 20.000 USD (khoảng 400 triệu đồng) để làm phim trong chín tháng.

YT

___________________________________________________

Với người Việt Nam, đây có thể là những câu chuyện bình thường nhưng với người nước ngoài, họ lại rất tò mò. Và thông qua bốn bộ phim, người xem có thể hiểu thêm về văn hóa của Việt Nam để từ đó thấy được những khác biệt độc đáo về con người, cuộc sống và những thay đổi trong quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng tới người dân như thế nào.

Xét về mặt văn hóa, bốn bộ phim sẽ là những tư liệu vô cùng quý giá về một thời điểm đã qua đi, không bao giờ trở lại trong quá trình đô thị hóa dữ dội. Có thể một, hai năm naữa rạp chiếu phim của ông Long sẽ không còn, những nghĩa trang cải táng sẽ thay bằng những khu chung cư cao cấp… Rõ ràng những hình ảnh chân thật nhất bao giờ cũng có giá trị và tác động mạnh hơn những đoạn phim quảng cáo. Đó là chưa kể giá trị kinh tế mà nó mang lại khi ngành du lịch, ngành văn hóa không phải bỏ ra một đồng nào để quảng bá.

Bà HÀ THỤC VÂN, Giám đốc Công ty RedBridge, quản lý dự án Lần đầu làm phim với Discovery tại Việt Nam

Năm 2007, lần đầu tiên các thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Việt Nam đã được quảng bá trên kênh truyền hình CNN, tiêu tốn ngân sách Nhà nước gần 300.000 USD. Trong hai năm 2010 và 2011, ngân sách đã chi khoảng 400.000 USD để thuê CNN và BBC làm phim quảng cáo và phát trên hai kênh này hình ảnh đất nước Việt Nam như một điểm đến.

YÊN THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm