Bóng hồng quân y Việt trước ngày sang châu Phi

Tháng 7 sắp tới đây, 73 thành viên đoàn quân y Việt Nam sẽ lên đường sang đất nước Nam Sudan (châu Phi) để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong vòng một năm. Trong số đó có 10 nữ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Nhiệm vụ của đội tình nguyện là chăm sóc sức khỏe cho phái bộ LHQ và theo sự điều động của tổ chức này.

Dời cả… chồng con về gần nơi huấn luyện

Trong số 10 bóng hồng được cử sang Nam Sudan, Thiếu tá Bùi Thị Xoa (43 tuổi) là người lớn tuổi nhất. Nhớ lại thời điểm cách đây ba năm nhận được nhiệm vụ khi làm ở khoa Ngoại BV Quân y 7B (Quân khu 7), mặc dù cảm thấy vinh dự nhưng chị Xoa khá bất ngờ và lo lắng không đáp ứng được nhiệm vụ. Trước hết, công việc tình nguyện quốc tế đòi hỏi giao tiếp, trao đổi hoàn toàn bằng tiếng Anh trong khi vốn tiếng Anh của chị chỉ bập bẹ. Ngoài ra, đứa con trai đang tuổi dậy thì cũng là mối bận tâm của chị. Hằng ngày chị phải chạy xe máy hơn 70 cây số từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) lên BV Quân y 175 để tập luyện và chạy về nhà. Mặc dù ở bệnh viện có bố trí chỗ ở cho cả đội nhưng chị vẫn muốn về nhà, đôn đốc con học tập.

Qua một thời gian, sau nhiều đêm trăn trở, vợ chồng chị bàn bạc bán nhà, lên TP.HCM sống để chị thuận tiện trong việc trải qua các đợt huấn luyện. Chồng chị cũng chuyển công tác lên cùng vợ.

Nhớ lại quyết định này, chị Xoa vẫn còn luyến tiếc ngôi nhà nhỏ ấm cúng với khoảnh vườn yên bình, hàng xóm thân quen, nay thay thế bởi một căn chung cư ở nơi phố thị đông đúc. Chưa kể chị cũng phải chuyển trường cho con lên TP.HCM học. Chị Xoa tâm sự: “Cả nhà đã ở đó mười mấy năm, chuyển nhà lên TP sống thời gian đầu buồn lắm. Mấy ngày đầu, thằng bé đi học về lạ trường, lạ bạn không chịu ăn cơm, tôi thắt cả lòng. May sao thằng bé hòa nhập tốt, nay đã vui vẻ và quen bạn, quen trường”. Nhiệm vụ ở đất nước Nam Sudan đã gây ra biết bao xáo trộn cho chị như thế nhưng chị Xoa chia sẻ càng tìm hiểu về điều kiện sống thiếu thốn, khắc nghiệt ở nước bạn, chị càng như được tiếp thêm nguồn động lực sang đó làm nhiệm vụ giúp đỡ nước bạn. “Theo dõi những thước phim ngắn trên mạng và nghe kể từ những người đi trước về cuộc sống khắc nghiệt, trẻ con nheo nhóc, đói ăn, khát uống đến nỗi phải uống cả vũng nước trâu đằm, tôi càng cảm thấy nhiệm vụ sắp tới của mình rất có ý nghĩa. Một năm sẽ trôi nhanh thôi” - chị Xoa bày tỏ.

Ngoài chị Xoa, một người mẹ cũng sắp sửa tạm xa con gái 12 tuổi để lên đường là Thượng úy Phạm Thị Thu Trang (39 tuổi), trước đây công tác ở BV Quân y 4 (Quân đoàn 4). Do hoàn cảnh đặc biệt nên chị nuôi con một mình, những ngày tập trung huấn luyện, chị phải gửi con về Bắc cho ông bà ngoại trông nom. “Lúc đầu tôi hoang mang vì không biết đến đất nước châu Phi xa lạ, đang bất ổn vì nội chiến sẽ thế nào. Trải qua các đợt huấn luyện, giải quyết các tình huống giả định, tôi đã dần yên tâm hơn. Là những người tiên phong làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ, tôi đã hình dung sẽ gặp nhiều vất vả, khó khăn nhưng chắc chắn đó cũng sẽ là những trải nghiệm ý nghĩa không dễ gì có được trong đời. Có lẽ vì xa mẹ từ nhỏ nên con gái tôi rất tự lập, mạnh mẽ, bé cũng dễ dàng chấp nhận khi nghe tin mẹ chuẩn bị đi công tác nước ngoài một năm” - chị Trang nói.

Thiếu úy Phan Thị Vân Huyền sẵn sàng lên đường sang Nam Sudan làm nhiệm vụ. Ảnh: TL

Các bóng hồng tình nguyện tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Ảnh: TL

Bắn đạn thật, đối mặt vô vàn hiểm nguy

Để làm quen với khí hậu và những tình huống bất ngờ có thể xảy đến khi ở đất nước Nam Sudan, tất cả bác sĩ, điều dưỡng đều được đơn vị đặc công huấn luyện và tập bắn súng bằng đạn thật. Cả đời quen với kim tiêm, thuốc men, chị Xoa chia sẻ rất run khi lần đầu tiên được bắn đạn thật và nghe tiếng súng nổ.

Để đáp ứng những tình huống cấp cứu khẩn cấp, nhiều tình huống giả định đã được đặt ra như bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, cấp cứu hàng loạt vết thương do nổ mìn, đạn lạc. “Chẳng hạn, một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, đau đớn, khó thở, sau khi được bác sĩ phân công, điều dưỡng phải lập tức truyền dịch, đo huyết áp, mời khoa X-quang chụp xét nghiệm, lấy máu… để cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân” - chị Xoa kể.

Để đối phó với khí hậu lên tới 50 độ C và lệnh sẵn sàng di chuyển bệnh viện dã chiến, Thiếu úy Phan Thị Vân Huyền (25 tuổi), kỹ thuật viên vật lý trị liệu, phục hồi chức năng BV Quân y 175, cho biết từ sáng đến tối, các bác sĩ, điều dưỡng phải tập dựng và dẹp lều dưới cái nắng oi nồng của TP.HCM. “Được dự báo do quãng đường vận chuyển lương thực ở nước bạn rất khó khăn, có thể mất cả tuần xe hoặc trực thăng mới đến được nơi tiếp tế lương thực nên đoàn đã mang theo lương khô để ăn đỡ trong những ngày này” - chị Huyền kể.

Đặc điểm khí hậu, đất nước Nam Sudan thường xuyên xảy ra dịch bệnh như sốt vàng da, dịch tả, sốt rét, thậm chí là dịch Ebola trong khi đây là những bệnh ở Việt Nam không có hoặc gần như đã bị xóa sổ. Tất cả đội tình nguyện đều được tiêm ngừa phòng bệnh, học kiến thức chữa bệnh và chuẩn bị quần áo bảo hộ để đối phó khi tiếp xúc với nguồn có khả năng lây nhiễm bệnh. Đặc biệt, do văn hóa đạo Hồi ở Nam Sudan, phụ nữ sẽ thường che mặt và kỵ tiếp xúc với đàn ông nên việc thăm khám cho phụ nữ ở đất nước này phải do bác sĩ, điều dưỡng nữ phụ trách, kể cả khi họ chuyển dạ. Tất cả đều phải thuộc quy tắc xin phép phụ nữ Nam Sudan nếu cần phải cởi bỏ khăn che mặt mới thăm khám được.

Gói bánh chưng, đổ bánh xèo thết đãi nước bạn

Hành trang của mỗi bác sĩ, điều dưỡng nữ lên đường làm nhiệm vụ là một bộ áo dài in hình trống đồng, hoa sen do ban giám đốc BV Quân y 175 tặng. “Trống đồng và hoa sen thể hiện văn hóa ngàn năm và ưa chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Mỗi dịp giao lưu với nước bạn, chúng tôi sẽ mặc để giới thiệu hình ảnh của Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi còn được dạy những điệu múa truyền thống như múa hoa đăng, múa cung đình để mỗi dịp văn nghệ, chị em sẽ cùng biểu diễn nhằm vơi đi nỗi nhớ nhà, đồng thời giới thiệu văn hóa với nước bạn” - Thiếu úy Bùi Thị Hoài Thu, trước đây là điều dưỡng khoa Ngoại BV Quân y 7B, chia sẻ. Ngoài ra, Thiếu úy Thu cho biết chị còn chuẩn bị bột làm bánh xèo để mang theo và tự tập dợt đổ bánh xèo ở nhà cho thành thạo để có dịp mang ra chiêu đãi bạn bè quốc tế.

Còn đối với Thượng úy Thu Trang, năm đầu tiên xa nhà và con gái nhỏ sẽ càng dài hơn khi cả đoàn sẽ đón Tết ở một đất nước xa lạ. Chị Trang cho hay chị sẽ gói bánh chưng, món ăn truyền thống vào dịp Tết để chiêu đãi mọi người trong đoàn cho vơi đi nỗi nhớ nhà và giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Gạt qua nhiều lo lắng, những bóng hồng đã sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ theo tiếng gọi của Tổ quốc với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hành trang tình cảm đong đầy nơi quê nhà ngày trở về.

Thử thách nhưng cũng là vinh dự của Việt Nam

Việt Nam chọn đóng góp trách nhiệm gìn giữ hòa bình cho LHQ nên chọn gửi lực lượng quân y để thực hiện hoạt động nhân đạo tại Nam Sudan. Đây là lần đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam đưa lực lượng quân y và bệnh viện dã chiến ra hoạt động độc lập tại nước ngoài. Quá trình chuẩn bị gặp khá nhiều khó khăn do trước nay chưa có tiền lệ. Đội tình nguyện phải trải qua quá trình chuẩn bị lực lượng và sát hạch khắc nghiệt theo tiêu chuẩn của LHQ, bắt đầu từ tháng 4-2014. Đây là thử thách nhưng cũng là vinh dự, trách nhiệm gìn giữ hòa bình thế giới của Việt Nam, khẳng định chất lượng bác sĩ quân y đáp ứng yêu cầu của LHQ.

Thiếu tướng-PGS-TS-BS NGUYỄN HỒNG SƠN,
Giám đốc BV Quân y 175, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới