4 giờ 30 sáng ngày 18-5, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ thì tại nhà cô Trần Ngọc Du Miên, quận Gò Vấp đã sáng đèn. Hôm nay, cô Miên cùng 6 người bạn nấu xôi gửi tới bà con bữa sáng 0 đồng.
Cực nhưng vui
Bữa sáng 0 đồng được nhóm duy trì hơn 1 năm. Mọi người quen việc nên mỗi người phụ trách một công đoạn. Người đồ xôi, bóc trứng, người phi hành, cắt lạp xưởng, người cắt gò. Công việc diễn ra một cách trôi chảy. Mồ hôi lấm tấm trên gương mặt nhưng không ai than phiền, vẫn chăm chú vào phần việc của mình. Các nguyên vật liệu sau khi được chế biến, được bọc kín cẩn thận đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Muốn xôi thơm ngon thì phải có lá dứa và thêm nước dừa” - cô Miên vừa nói vừa đảo đều xôi. Mùi xôi thơm phảng phất cả căn phòng.
Cô Miên cho biết nhóm gồm bảy chị em, mỗi người một công việc khác nhau từ giáo viên, kinh doanh, nội trợ, cho đến buôn bán.
Nhóm cô Miên được thành lập đã lâu. Ban đầu, nhóm đi thăm trại trẻ mồ côi, sau mùa dịch, thấy bà con gặp nhiều khó khăn, nhóm thực hiện bữa sáng 0 đồng bằng món xôi bổ dưỡng.
“Các nguyên vật liệu được mua tại những nơi uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Mọi người trong nhóm tự góp tiền và công sức thực hiện. Vậy mà, bữa sáng 0 đồng đã kéo dài được hơn 1 năm qua” - cô Miên nói.
Theo cô Miên, nhóm tự làm không kêu gọi ai tuy nhiên khi bà con đến nhận xôi thấy việc làm ý nghĩa, thiết thực nên nhiều người ủng hộ.
“Có người nhận gói xôi nhưng quyên góp 100.000 đồng hay 10 kg gạo nếp hoặc lạp xưởng, trứng cút. Nhóm đều nhận và tiếp tục thực hiện để gửi tới những người cần” - cô Miên tâm sự.
Ban đầu, nhóm chỉ nấu 8 kg xôi rồi tăng lên 10 kg và giờ 15 kg.
“ Công việc khá vất vả vì phải dậy sớm, hơn nữa nhiều cô cũng lớn tuổi. Tuy nhiên, khi thấy bà con đến nhận gói xôi cảm ơn, khen xôi chất lượng, mọi mệt nhọc tan biến. Đặc biệt, nhiều khi đi đường có bà cụ gọi lại bảo “con nấu xôi ngon lắm” lại thấy ấm lòng, có thêm động lực để tiếp tục” - cô Miên chia sẻ.
Người đến nhận xôi đủ thành phần từ anh thợ hồ đến chị bán vé số, người già neo đơn, học sinh, công nhân... Số lượng ngày càng tăng, chỉ sợ không có sức để phục vụ.
Gần nhà cô Miên, thấy việc làm ý nghĩa nên cô Lê Thị Thanh Nghĩa, hiện đang là giáo viên Trường Mầm non Sơn ca 14, quận Phú Nhuận cũng xắn tay tham gia.
Do tính chất công việc nên khi bữa sáng 0 đồng diễn ra vào cuối tuần, cô có thể qua phụ. Còn giữa tuần cô Nghĩa thường góp tiền.
"Mọi người tự bỏ công, bỏ sức, không ai tị nạnh nhau trong công việc. Thấy các cụ ăn xôi khen ngon tôi thấy vui. Gia đình cũng ủng hộ công việc này” - cô Nghĩa nói.
Nắm xôi nghĩa tình
6 giờ 30 sáng, món xôi được nấu xong. Sau đó, các cô bê tất cả nguyên vật liệu đã chế biến đặt lên chiếc bàn trước cổng cùng nồi xôi còn nghi ngút khói chờ mọi người qua tặng.
“Để xôi nóng hổi, dẻo thơm, chúng tôi không cho vào hộp sẵn mà mọi người tới nhận mới bắt đầu xới và cho thêm chả, lạp xưởng, pate, chà bông thơm ngon” - cô Miên nói.
Tới nhận xôi, mọi người xếp hàng rất trật tự. Mỗi người chỉ nhận 1 đến 2 phần theo nhu cầu.
Đi bán bánh mì ngang qua, anh Huỳnh Phú Lâm, quê Cần Thơ ghé nhận một gói.
“Tôi đi qua mấy lần nhưng không dám ghé vào nhận vì không biết các cô đang bán hay tặng. Hôm nay được tặng gói xôi chất lượng, nghĩa tình, tự dưng thấy ấm áp bởi một việc làm đầy tính nhân văn. Nhưng tôi sẽ không ghé nhiều, tôi sẽ dành phần này cho người khác cần hơn” - anh Lâm cười nói, rồi treo gói xôi vào thùng bánh mì tiếp tục công việc mưu sinh.
Trong khi đó, nở nụ cười hiền từ, bà Nguyễn Thị Nhen, khách hàng quen thuộc của bữa sáng 0 đồng bộc bạch: "Món xôi chất lượng. Bình thường mua ở ngoài, xôi chỉ có xíu, thêm ít chả. Còn ở đây, xôi với đầy đủ các món đa dạng. Nhà đông nhưng tôi chỉ lấy 2 phần dành cho 2 bà cháu”.
Thoăn thoắt phát xôi cho bà con, cô Dương Thị Thanh Thanh nói: “Xôi được nấu bằng tâm huyết nên khi mọi người vui vẻ đón nhận là nguồn khích lệ đối với chúng tôi".
Nhà ở TP Thủ Đức nhưng cô Thanh vẫn dành thời gian tham gia cùng nhóm vì công việc ý nghĩa.
“Với tình hình này, nhu cầu càng tăng, chỉ mong việc làm này được lan toả, mọi người cùng tham gia, chia sẻ yêu thương” - cô Thanh chia sẻ.
Thay vì mua ở ngoài, tất cả các nguyên vật liệu đều do cô Thanh và mọi người cùng làm.
“Mình làm vừa ngon, lại sạch đỡ chi phí. Như vậy, người nhận ăn cũng yên tâm” - cô Thanh bộc bạch.