Buổi học 3 tiếng không ai ngủ gật
Học sinh THPT Lê Quý Đôn hào hứng tham gia trò chơi trong buổi học GDCD.
Đó là buổi học chuyên đề môn giáo dục công dân (GDCD) tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) vừa diễn ra vào sáng 12-11 do cô giáo Nguyễn Thị Hồng Châu - Tổ trưởng tổ GDCD tổ chức.
Buổi học có chủ đề “Tôi bảo vệ tôi”: Tôi học cách tự vệ, Tôi tìm sự giúp đỡ với sự tham gia của các đội chơi đến từ ba khối 10, 11, 12.
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm học sinh đã có mặt chật kín cả hội trường.
Các lớp giới thiệu thông điệp bộ môn bằng ba hình thức khác nhau: thiết kế poster, phim và thuyết trình.
Những vấn đề thời sự nóng bỏng được chính những cô cậu học trò tuổi ô mai lồng ghép đưa vào tác phẩm của mình như vấn đề lừa gạt, buôn bán trẻ em nữ trong bộ phim “Lừa gạt, dụ dỗ, buôn bán trẻ em nữ qua biên giới" của lớp 11D1, thuyết trình về nạn “Bắt nạt trực tuyến” của nữ sinh lớp 12AD2…
Có lúc cả hội trường như vỡ òa trước những lập luận rất học trò nhưng không kém phần sâu sắc: “Không phải ngẫu nhiên mà chúng em chọn những màu sắc này trong poster, chẳng hạn màu tím tượng trưng cho thủy chung, vì những người đã dính vào ma túy thường rất "chung tình" với nó. Cuộc sống không phải lúc nào cũng tràn ngập màu hồng, màu xanh như mọi người vẫn nghĩ, cũng có những sự lãng mạn đến chết người”.
Khách quan nhìn nhận, chương trình vẫn còn có những "diễn viên" ngượng nghịu lần đầu đứng trước ống kính máy quay, những bạn hồi hộp, quên cả nội dung thuyết trình khi lần đầu đứng trên sân khấu giữa hàng trăm người, hay thời gian bị lố vì những phần tranh luận nảy lửa... Nhưng buổi học hôm đó không có cảnh ngáp dài đợi tiếng trống ra chơi, không một ai ngủ gật.
"Các em giỏi quá!"
Buổi học ngày hôm ấy thực sự là là bục giảng của những cô cậu học trò làm chủ. Dưới sân khấu hội trường, trong một góc lặng lẽ, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Châu lặng yên lắng nghe câu chuyện của những học trò.
GV Nguyễn Thị Hồng Châu - Tổ trưởng tổ GDCD lặng lẽ nghe học trò thuyết trình.
Hai chị em sinh đôi Gong Xiao Wen và Xiao Jing chia sẻ phần thi thuyết trình là công sức của cả tập thể, không chỉ các bạn đứng trên sân khấu hôm nay mà còn có cả những bạn đang ngồi dưới hội trường: chuẩn bị tư liệu, quay từng thước phim…
”Cả nhóm chuẩn bị trước đó cả tháng trời cho buổi chuyên đề hôm nay. Nói là cả tháng nhưng thực tế bọn em chỉ gặp nhau bàn về chuyên đề vào chiều thứ Sáu hằng tuần. Như bài phỏng vấn, chúng em phải phỏng vấn khoảng 20 bạn mới ra được nội dung cần, có những hôm phải đi từ 6 giờ tối. có bạn ngại trả lời, có bạn trả lời lòng vòng, không đúng nội dung… Học GDCD như thế này thì mệt mà vui, chúng em cũng nhớ được kiến thức hơn”.
Buổi học 3 tiếng không ai ngủ gật.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, cô Châu nói: “Ban đầu, khi đưa ra ý tưởng chủ đề tôi bảo các em về làm, 20-10 cô thu bài về chấm lấy điểm 15 phút. Cả tổ GDCD mới bắt đầu tập trung chấm sơ khảo, có những ý tưởng, nội dung khiến tôi cảm thấy giật mình vì nhận thức sâu sắc của các em, chẳng hạn bài thuyết trình về vấn nạn “Bắt nạt trực tuyến”. Các em giỏi quá!”.
“Khái niệm thì có trong sách giáo khoa rồi, không lẽ đọc chép! Quan trọng là làm thế nào khơi gợi sự hứng thú học trong các em, làm cho các em hiểu bản chất bài học. Cô không dạy bằng lời nói mà bằng tiểu phẩm, câu chuyện… từ đó phân tích, luận bàn cho các em hiểu hành vi nào là vi phạm, vi phạm như thế nào… thì các em mới không ngán. Bài học, khái niệm phải xuất phát từ kiến thức thực tế, cập nhật kiến thức thường xuyên. Học mà ngán thì dù môn chính hay môn phụ cũng mệt lắm" - cô Châu cười hiền.
Dưới đây là một số hình ảnh:
Hào hứng tham gia trò chơi.
TS tâm lý Lê Thị Linh Trang.
Học trò liên tục đặt câu hỏi.
ThS giáo dục Phạm Phúc Thịnh.
Thuyết trình về "Áp lực học đường".
Phim do học sinh THPT Lê Quý Đôn thực hiện.
Bài thuyết trình về vấn nạn “Bắt nạt trực tuyến” đạt giải nhất thuyết trình.
Trao giải phần thi thiết kế và thuyết trình về poster.