Cả lớp con không ai muốn thi

Cả lớp con không ai muốn thi ảnh 1

Chiều nay, cô giáo dạy kèm tiếng Anh của con gọi điện thoại, đại ý cô mong mẹ thông cảm nếu con bị điểm thấp môn tiếng Anh. Đơn giản là vì bé còn chưa rành mặt chữ tiếng Việt thì làm sao ráp thành từ tiếng Anh từ một mớ chữ lộn xộn. Mẹ ngoài miệng nói “không sao đâu cô” nhưng trong lòng cảm thấy ngậm ngùi, đúng là “tại mẹ”.

Dù đã biết phải cho con đi học trước khi vào lớp 1 và cũng đã thực hiện rất tốt với con gái đầu, vậy mà để mắc sai lầm với đứa thứ hai mới đáng giận. Thật ra mẹ cũng có dạy con trước nhưng chỉ ở mức độ ghép chữ, chưa đến ghép vần, do mẹ nghĩ “nhiêu đây chắc đã đủ, vào học cô giáo có khả năng sư phạm, con sẽ tiếp thu tốt hơn”. Vào học, đến khi vào ghép vần, hai mẹ con chạy bở hơi tai. Tối nào cũng quần nhau, loay hoay hết học vần, chính tả, làm toán... mấy tiếng đồng hồ. Ngày nghỉ, lễ, tết vẫn “làm việc”, chỉ là có phần nhẹ nhàng hơn mà thôi.

Thật ra mẹ thấy con không phải đứa tệ, cũng nhanh nhẹn và biết tiếp thu nên nghĩ có thể con chậm hơn các bạn đã học trước thôi. Vậy nên khi nghe cô giáo phàn nàn về khả năng đọc của con, mẹ cũng chẳng biết phải làm sao vì nghĩ mẹ và con đã cố hết sức. Học cùng con, mẹ nhận ra nhiều điều rất ngạc nhiên: có nhiều từ tiếng Việt trong sách giáo khoa của con mẹ không biết nghĩa, phải nhờ đến từ điển. Nhưng điều quan trọng hơn với mẹ là hình như con bị “tẩu hỏa” trong mớ vần. Mẹ không nhớ ngày xưa đi học đến lớp mấy thì học hết vần trong tiếng Việt, mà bây giờ con chưa hết chương trình lớp 1 đã phải học hầu như hết mọi vần, ngay cả những vần khó, ít dùng như “uya”, “uynh”...

Theo chương trình, mỗi ngày con phải học hai vần mới, chưa kịp “thẩm thấu” đã học qua vần khác. Biết tình trạng như vậy nên với mỗi vần mới mẹ lại “sáng tác” cho con một đoạn văn ngắn, tranh thủ có vần mới học càng nhiều càng tốt. Nhưng việc đó đâu phải dễ dàng, nhiều câu văn “ép” vần nên nghe cứ ngượng ngượng, nhưng kệ, miễn là con có cơ hội tiếp xúc với vần mới. Vậy mà mọi việc vẫn không được cải thiện bao nhiêu. Lúc đang học  vần nào con cũng thuộc, nhưng bỏ qua vài bài là quên và nhầm lẫn. Con thường nhầm các vần “ưng” và “ương”, “ung” và “uông”, “oc” và “ôc”... Khi đã nạp hết lượng vần trong chương trình, sự nhầm của con lại đơn giản và phổ biến hơn. Con bắt đầu nhầm giữa b và d, s và v, tr và r, n và m... Còn thêm “tật” viết ngược: “mít” thành “tím”, “em” thành “me”, “một” thành “tôm”. Và dấu thì lúc đầu sắc thành huyền và ngược lại, càng học nhiều thì sắc không chỉ thành huyền mà có thể thành nặng, hỏi...

Gần thi học kỳ II, con về than thở: cả lớp con không ai muốn thi cả, mệt lắm. Mà đúng vậy, từ đầu tháng 3 mẹ đã thấy cô phát cho đề cương, dặn không làm trước để vào lớp làm. Cô trò cứ vậy mà quần nhau, mồ hôi nhễ nhại trong cái nắng nóng hầm hập với lớp học gần 50 trò, người lớn còn thấy sợ chứ nói gì đến con nít đang tuổi chơi!

Thật tội cho con, mẹ quyết định phải tranh thủ mùa hè này “làm” cho con biết trước để vào năm học mới, mẹ con mình không còn vất vả như vậy nữa.

Mẹ cũng “tẩu hỏa nhập ma”

Hằng ngày ngoài công việc, mẹ còn phải nhớ lịch học của hai con để đưa đón, nhắc nhở các con học bài. Tối thứ tư, nấu ăn chưa xong mẹ đã vội vã chạy tới nhà cô dạy toán trước 20g để kịp đăng ký học hè, đóng học phí và đón chị về luôn.

Giờ tan học, nhìn các bạn ùa ra cửa, mẹ đưa mắt tìm chị khắp nơi không có. Lúc đó mẹ còn nghĩ thầm “Sao hôm nay đứa nào cũng lớn mà lạ nữa?”. Khi các bạn ra gần hết, cô giáo tới hỏi mẹ:

- Chị, chị có chờ đón em nào không?

- Dạ em chờ đón Tường Vy đó cô.

- Chị ơi, Tường Vy lớp 6 phải không? Hôm nay Tường Vy không có học, đây là lớp 7, lớp 8.

- Vậy con em đâu? Hôm nay thứ mấy?

- Hôm nay thứ tư chị.

- Vậy hả cô, vậy là hôm nay con em học tiếng Anh, học tới 21g lận.

Thế là mẹ chạy về nhà chờ đến giờ đón con. Trên đường về mẹ kể chuyện, chị cười ha hả: “Mẹ, hôm nay mẹ bị gì vậy?”.

Mỗi sáng mẹ chỉ đưa em đến trường, nhưng thỉnh thoảng mẹ đưa cả hai chị em. Hôm nào có chị thì phải tới trường chị trước, vậy mà mẹ cứ rẽ vào đường đi tới trường em trước làm chị phải nhắc nhở: “Mẹ, tới trường con trước mà”.

Còn em học mầm non thì đơn giản hơn, mỗi ngày chỉ việc đưa đón đúng giờ, mỗi tuần mặc đồng phục hai ngày thứ hai và thứ tư. Thứ hai đầu tuần nên hầu như mẹ luôn nhớ và thực hiện nghiêm túc. Còn thứ tư thỉnh thoảng lại quên. Có hôm thứ tư mẹ quên nên diện cho em một cái đầm dễ thương và rất ư là mát mẻ. Hôm đó về em cứ cằn nhằn: “Mẹ, sao hôm nay mẹ không mặc đồng phục cho con, mẹ mặc đầm con không tập vận động được?”.

ĐẶNG HOÀNG DIỄM

Theo NGUYỄN THỊ THÙY HƯƠNG (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm