Ngày 29-11, các bộ trưởng tư pháp nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí lập một mạng lưới điều phối quá trình điều tra về tội ác chiến tranh ở Ukraine, theo hãng tin Reuters.
Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp của các bộ trưởng tư pháp G7 tại Berlin. Cuộc họp có sự tham dự của các công tố viên đặc biệt từ Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), công tố viên liên bang của Đức và Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Denys Maliuska.
"Từ Berlin, chúng tôi muốn gửi một tín hiệu chính trị rõ ràng. G7 không chỉ là một nhóm gồm các cường quốc công nghiệp. Chúng tôi chia sẻ các giá trị cơ bản và lên án tội ác chiến tranh" - Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann khẳng định tại cuộc họp.
"Việc điều tra tư pháp về những hành vi tội ác chiến tranh ở Ukraine sẽ mất nhiều năm, thậm chí có thể là nhiều thập niên. Nhưng chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng và chúng tôi sẽ kiên trì cho đến khi nào việc điều tra này còn cần thiết" - ông Buschmann nói thêm.
Các đại biểu tham dự cuộc họp của các bộ trưởng tư pháp G7 tại Berlin (Đức) hôm 29-11. Ảnh: REUTERS |
Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng cho biết các nước G7 sẽ thành lập cơ quan liên lạc ở mỗi nước nhằm phục vụ cho việc truy tố các tội phạm quốc tế.
Ông Buschmann cho rằng việc thành lập cơ quan liên lạc sẽ đảm bảo thông tin về bằng chứng, yêu cầu pháp lý có thể được chia sẻ giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Bộ trưởng Tư pháp Đức nhận định cuôc họp hôm 29-11 đánh dấu lần đầu tiên các vấn đề về tội ác chiến tranh được đưa ra thảo luận trong lịch sử G7. Trước đây, ông Buschmann từng ca ngợi vai trò hàng đầu của Đức trong việc truy tố các tội ác chiến tranh ở các quốc gia khác.