Các cơ quan tư pháp đều 'than' thiếu biên chế

(PLO)- Bộ trưởng Bộ Tư pháp xin Quốc hội tiếp tục có ý kiến để việc tăng, giảm biên chế trong khối thi hành án dân sự phù hợp với tỉ lệ của cơ quan tố tụng khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-11, Quốc hội (QH) dành cả ngày để nghe và thảo luận về báo cáo của các cơ quan tư pháp.

Nhiều thách thức cho ngành kiểm sát

Báo cáo trước QH, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định ông luôn xác định chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành.

Từ đó, Viện trưởng VKSND Tối cao đã chỉ đạo nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa. Đồng thời, thực hiện nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội, “trọng chứng hơn trọng cung”, “án tại hồ sơ”, không được suy diễn, chứng cứ đến đâu xử lý đến đấy...

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: PHẠM THẮNG

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ngoài ra, ông Lê Minh Trí cũng lưu ý “cẩn trọng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho người vi phạm khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, Viện trưởng VKSND Tối cao dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, nhất là đối với một số loại tội phạm mới phát hiện khởi tố, điều tra liên quan tới thị trường chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, tội phạm tham nhũng, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao... Theo ông, quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, vẫn còn một số bất cập; khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng, nhất là liên quan đến đất đai...

Đáng chú ý, ông Lê Minh Trí cho rằng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự 2021 quy định công an cấp xã được thực hiện một số hoạt động trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, trong khi bộ máy ngành kiểm sát chỉ bố trí đến 705 đơn vị hành chính cấp huyện. “Nay phát sinh thêm nhiệm vụ trên địa bàn hơn 10.000 công an cấp xã sẽ là áp lực lớn đối với ngành kiểm sát” - ông Trí nói.

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao, kiểm sát viên luôn phải đồng hành với điều tra viên trong quá trình điều tra tội phạm nhưng hiện nay biên chế giữa điều tra viên ngành công an với kiểm sát viên chênh lệch rất lớn đã tạo áp lực trong thực hiện nhiệm vụ kiểm sát điều tra của ngành.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành kiểm sát cũng đánh giá chế độ, chính sách đối với ngành kiểm sát còn bất cập. Cụ thể, cùng thực hiện chức năng, nhiệm vụ với môi trường, tính chất công việc về cơ bản là như nhau nhưng chế độ chính sách của kiểm sát viên các cấp, điều tra viên của cơ quan điều tra VKSND Tối cao lại khác biệt, chênh lệch khá lớn so với các điều tra viên ở ngành công an, quân đội.

Thi hành án dân sự xin dừng giảm biên chế

Báo cáo trước QH về công tác thi hành án dân sự (THADS), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay năm 2022, tổng số việc phải thi hành là gần 862.000 việc; có điều kiện thi hành gần 654.000 việc. Cơ quan THA đã thi hành xong hơn 539.000 việc, đạt 82,5%, tăng gần 6,7% so với năm 2021. Tổng số tiền phải thi hành là gần 337.000 tỉ đồng; có điều kiện thi hành trên 165.000 tỉ đồng; thi hành xong trên 75.000 tỉ đồng, đạt hơn 45% và tăng hơn 14% so với năm 2021.

Nêu về hạn chế, ông Lê Thành Long đánh giá số việc THA chuyển kỳ sau tuy đã giảm nhưng còn cao, đặc biệt là vẫn còn một số thiếu sót, vi phạm về chuyên môn, nghiệp vụ...

Nêu ý kiến, ông Lã Thanh Tân (đại biểu QH TP Hải Phòng) phản ánh việc đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ chấp hành viên bị quá tải rất nhiều trong công việc. Ông Tân dẫn báo cáo Chính phủ cho thấy từ năm 2016 đến nay, công chức THADS liên tục bị cắt giảm 1.016 biên chế (giảm hơn 10,16% so với biên chế được giao năm 2015).

Trong khi đó, khối lượng công việc trung bình qua các năm theo xu hướng tăng cả về việc và về tiền, tính chất công việc ngày càng phức tạp... “Vụ việc THA liên quan đến Công ty CP Địa ốc Alibaba có hàng ngàn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” - ông Tân dẫn chứng.

Theo ông, thực tế trên là nguy cơ dẫn đến hoạt động THADS trở thành “điểm nghẽn” trong chuỗi hoạt động tố tụng vì các cơ quan này đang trong tình trạng không có đủ nguồn lực để thực hiện.

Ông Tân cho biết ở một số địa bàn, trung bình mỗi chấp hành viên có số lượng việc phải thi hành lên đến gần 400 việc/năm và trên 100 tỉ đồng/năm. “Cá biệt như TP.HCM là trên 400 tỉ đồng/năm; Hà Nội, Đà Nẵng trên 200 tỉ đồng/năm cho mỗi chấp hành viên” - ông Tân nói. Ông cho rằng đây thực sự là một áp lực rất lớn đối với đội ngũ chấp hành viên và cơ quan THADS.

Theo quyết định của Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức cơ quan hành chính nhà nước, đến năm 2026, biên chế các cơ quan thuộc Bộ Tư pháp, trong đó có biên chế của hệ thống cơ quan THADS tiếp tục giảm 5%. Điều này, theo ông Tân, sẽ là một khó khăn, thách thức lớn cho các cơ quan THA.

Trong khi đó, đối với ngành TAND và VKSND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết cho phép hai ngành này giữ mức biên chế giai đoạn 2022-2026 như thời điểm năm 2015.

“Vụ Alibaba tại TP.HCM mà ông Tân đề cập có khoảng trên 5.000 đương sự. Nếu mỗi đương sự là một việc độc lập thì một vụ đã lên thành 5.000 vụ rồi” - Bộ trưởng Lê Thành Long nói trong phần giải trình sau đó.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp xin QH tiếp tục có ý kiến để việc tăng, giảm biên chế trong khối THADS được phù hợp với tỉ lệ của cơ quan tố tụng khác, vì số lượng bản án dân sự hoặc phần dân sự trong các vụ án hình sự và hành chính chuyển sang khối THA là tương đương.

Số lượng thẩm phán, công chức chưa đủ,

áp lực công việc rất lớn

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Báo cáo QH, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết đội ngũ cán bộ tòa án các cấp tiếp tục được kiện toàn và nâng cao về chất lượng. Năm qua, Chánh án TAND Tối cao đã trình Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm 1.286 thẩm phán và miễn nhiệm với 10 thẩm phán. Ngoài ra, công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý tiếp tục được quan tâm.

Cũng theo Chánh án TAND Tối cao, đội ngũ hội thẩm nhân dân hiện có hơn 16.700 người và về cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác xét xử. “Việc phân công hội thẩm tham gia phiên tòa đảm bảo thống nhất, khoa học” - ông Bình cho hay.

Người đứng đầu ngành tòa án cũng khẳng định hoạt động giám sát đối với thẩm phán được tăng cường. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý công chức có hành vi vi phạm được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.

Dù vậy, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết hoạt động của các tòa án còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như tỉ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn còn cao; vẫn còn một số ít vụ việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan...

“Một số cán bộ không chịu rèn luyện đã vi phạm pháp luật và kỷ luật công tác” - ông Bình nói.

Phân tích nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót trên, ông Bình cho hay số lượng các loại vụ việc và đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà các tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng nhanh và ngày càng phức tạp, trong khi đó, số lượng thẩm phán, công chức chưa đủ nên áp lực công việc rất lớn. “Số lượng các thẩm phán nghỉ việc cho đến nay là gần 1.000 người” - Chánh án TAND Tối cao nói.

Theo báo cáo của Chánh án TAND Tối cao, năm qua có 36 công chức TAND đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự. Trong đó, 33 trường hợp bị xử lý kỷ luật về hành chính, ba trường hợp bị khởi tố, đang trong thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm