Trong cuộc bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu vừa qua, những cử tri trẻ là nhóm đối tượng dành sự ủng hộ lớn cho các đảng cực hữu. Theo đài CNN, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trẻ bỏ phiếu cho các đảng có quan điểm cứng rắn là vì những cử tri này phải đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng chỉ trong thời gian ngắn.
Những người trẻ đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm khủng hoảng tài chính, sau đó là khủng hoảng khu vực đồng euro, đại dịch COVID-19 và bây giờ là cuộc xung đột ngay tại châu Âu. Ngày càng nhiều người trẻ tin rằng họ sẽ có cuộc sống khó khăn hơn thế hệ đi trước.
Ông Roberto Foa – đồng Giám đốc Trung tâm Tương lai Dân chủ tại ĐH Cambridge (Anh) – nhận thấy có “hai sự chia rẽ lớn” trong các xã hội phương Tây.
“Sự phân chia giàu nghèo giữa những người thành công về mặt kinh tế với những người bị bỏ lại phía sau và sự chia cách giữa các thế hệ về cơ hội sống” – ông Foa nói.
Sự ủng hộ của giới trẻ đối với các đảng cực hữu đang được thể hiện rõ rệt ở một số nước châu Âu. Ở Đức, đảng cực hữu Giải pháp thay thế cho Đức (AfD) giành được 16% số phiếu bầu của cử tri dưới 25 tuổi trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, tăng gấp 3 so với cuộc bỏ phiếu trước đó vào năm 2019.
Trong số các cử tri Pháp dưới 34 tuổi, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia Pháp (RN) là đảng được yêu thích nhất. Đảng này nhận được 32% phiếu bầu, tăng 10% so với năm 2019. Tại Ba Lan, 30% cử tri dưới 30 tuổi ủng hộ đảng Liên minh cực hữu, tăng so với mức 18,5% vào năm 2019. Sự ủng hộ dành cho đảng cực hữu cũng tăng lên ở Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo. Trong khi ở Ý, phe cực hữu vẫn nhận được sự ủng hộ lớn.
Điều gì khiến cử tri trẻ ủng hộ phe cực hữu?
Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Pháp năm 2022, bà Marine Le Pen – lãnh đạo RN – từng cam kết rằng nếu đảng bà nắm quyền, bà sẽ thúc đẩy các chính sách cho người trẻ tuổi bao gồm không phải trả thuế thu nhập, miễn thuế doanh nghiệp trong 5 năm nếu người trẻ bắt đầu kinh doanh, sinh viên làm việc bán thời gian sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền lương, xây 100.000 đơn vị nhà ở cho sinh viên.
Hồi tháng 6, sau khi RN giành được chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố tổ chức cuộc bầu cử quốc hội sớm.
Đối với anh Arthur Prevot (22 tuổi) – người quản lý những thành viên trẻ của đảng RN ở Paris (Pháp), đây là một tin tuyệt vời. Anh Prevot cho rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron đã không mang lại lợi ích cho giới trẻ.
“Sức mua đã giảm đáng kể trong 7 năm qua. Giữa tình trạng khủng hoảng, giá nhiên liệu tăng và chính quyền áp đặt các loại thuế khác nhau. Tất cả điều này đều ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, bao gồm của tôi” – anh Prevot nói.
Anh này cho biết những lo ngại về tình hình kinh tế đã thôi thúc anh gia nhập RN.
Anh Jonathan Verbeken – thành viên RN – cho biết lý do chính khiến anh gia nhập đảng là vì “Chúng tôi thấy người dân đau khổ hàng ngày, vật lộn để kiếm sống. Chúng tôi thấy tình hình tồi tệ ở Pháp, đặc biệt là vấn đề an ninh và nhập cư. Chúng tôi muốn phản ứng lại những điều đó”.
Đối với nhiều cử tri lớn tuổi, RN có nhiều ấn tượng không tốt khi họ có quan điểm cứng rắn và từng bài Do thái. Tuy nhiên, theo tác giả sách Simon Schnetzer, các cử tri trẻ dường như ít quan tâm hơn đến những vấn đề này.
“Giới trẻ là những người lần đầu đi bầu. Họ là những tờ giấy trắng. Điều thúc đẩy họ là: ‘Ai có thể cung cấp cho tôi thứ gì đó phù hợp nhất với mong muốn của tôi?’” – ông Schnetzer nói.
Sarah-Lee Heinrichs (23 tuổi) – thành viên của đảng Xanh Đức – cho biết các cử tri trẻ quan tâm nhiều về vấn đề kinh tế, kể từ sau cuộc bầu cử năm 2019. Heinrichs cho rằng sau đại dịch, cuộc xung đột ở Ukraine và lạm phát tăng cao, chủ nghĩa môi trường không còn là ưu tiên hàng đầu của giới trẻ nữa.
“Nếu các chính phủ không cung cấp an sinh xã hội tốt, bao gồm công việc tốt và nơi ở không tốn quá 50% thu nhập của người dân mỗi tháng, thì phe cực hữu sẽ trỗi dậy” – Heunrichs nói.
Xu hướng này sẽ thay đổi?
Sau khi khối trung hữu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen giành được nhiều ghế nhất trong Nghị viện châu Âu, bà đã có bài phát biểu mừng chiến thắng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các giá trị châu Âu, bao gồm hội nhập, dân chủ và pháp quyền.
Tuy nhiên, các giá trị này có thể khá trừu tượng với người trẻ.
“Cử tri trẻ sẽ xem lại những điều đó có giúp ích gì cho nhu cầu của họ không? Nó có làm họ vui không? Nó có mang lại cho họ sự an toàn không? Và nếu không có những thứ đó thì thật là nhàm chán” – ông Schnetzer nói.
Trong khi hầu hết chính trị gia ở châu Âu đọc những bài phát biểu trang trọng thì phe cực hữu đang đầu tư vào việc phát triển lượng người theo dõi khổng lồ trên nền tảng mạng xã hội TikTok. Một trong những chính trị gia cực hữu làm điều này tốt nhất là lãnh đạo RN – ông Jordan Bardella.
Ông Bardella thường đăng tải các video đời thường và các video vận động chính trị. Trong khi đó, ông Maximilian Krah – thành viên AfD kêu gọi những người theo dõi ông trên mạng xã hội không bỏ phiếu cho đảng Xanh.
Tuy nhiên theo CNN, những thiện cảm mà cử tri trẻ dành cho các đảng cực hữu này chưa rõ sẽ kéo dài trong bao lâu.
Ông Foa ghi nhận một xu hướng rằng cử tri trẻ ngày càng “không trung thành với bất kỳ đảng phái hoặc nền tảng cụ thể nào và "họ rất dao động giữa cuộc bầu cử này và cuộc bầu cử tiếp theo”.
Theo CNN, điều này được thể hiện rõ khi các cử tri trẻ đã từng rầm rộ ủng hộ các đảng có quan điểm bảo vệ môi trường vào năm 2019, nhưng giờ đây, đa phần họ lại quay lưng với những đảng này.
Do đó, sức hấp dẫn của phe cực hữu cũng có thể bị giảm sút nếu các chính trị gia của phe này nắm quyền nhưng không thi hành các chính sách họ đã hứa. Dù vậy, xét theo tình hình hiện tại, sự trỗi dậy của phe cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua vẫn là lời cảnh báo cho các xu hướng chính trị còn lại ở châu Âu.
Các đảng cực hữu ở châu Âu nhận được sự ủng hộ lớn
Theo tờ Politico, trong Liên minh châu Âu hiện có 7 nước có chính phủ cực hữu, bao gồm Ý, Phần Lan, Slovakia, Hungary, Croatia, Cộng hòa Czech, Hà Lan. Trong số các quốc gia này, Hà Lan là quốc gia có chính phủ cực hữu được thành lập gần đây nhất, vào hôm 2-7.
Ngoài ra, các đảng cực hữu cũng đang nhận được sự ủng hộ lớn trên khắp châu Âu. Tại Đức, đảng cực hữu AfD nhận được sự ủng hộ lớn. Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua, đảng này đứng thứ hai, cao hơn cả đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz.
Tại Pháp, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) giành được 143 ghế quốc hội trong vòng 1 cuộc bầu cử quốc hội và dù không thắng chung cuộc sau vòng 2 nhưng RN đã cho thấy sức ảnh hưởng cực lớn của mình khi làm rúng động chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron và cả chính trường Pháp.