Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, tỉnh hiện có 1.298 tàu đánh bắt hải sản, với 9.390 thuyền viên hoạt động trực tiếp trên tàu. Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác IUU. Mặt khác, Tiền Giang thực hiện quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân các tỉnh Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển...
Qua đó, công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã có sự chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh, có 965/965 tàu cá đang hoạt động trên biển đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đưa vào hoạt động, đạt 100%.
Theo ghi nhận của ngành chức năng địa phương, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, tỉnh Tiền Giang không ghi nhận thông tin tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.
Cũng như Tiền Giang, Bạc Liêu là tỉnh triển khai các chiến dịch chống khai thác hải sản bất hợp pháp hiệu quả. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Mười cho biết bám sát, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp chống IUU của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương và Ban chỉ đạo tỉnh, ngành nông nghiệp phối hợp với ngành hữu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến quy định về khai thác thủy hải sản, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, từ đó cộng đồng ngư dân chấp hành nghiêm.Và thời gian qua Bạc Liêu không có tàu nào vi phạm về đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Tại Kiên Giang, bên cạnh công tác thực thi pháp luật, quản lý chặt chẽ đội tàu, thì việc giám sát sản lượng thủy sản qua cảng được chú trọng.
Kiên Giang chỉ có 2 cảng cá chỉ định là cảng cá Tắc Cậu và cảng cá An Thới do Ban Quản lý cảng cá Kiên Giang quản lý. Tại các cảng cá chỉ định, Ban Quản lý cảng cá Kiên Giang phối hợp Chi cục Kiểm ngư và Đồn Biên phòng Tây Yên, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng An Thới kiểm tra 100% hồ sơ tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản và kiểm tra xác nhận tàu cá rời cảng theo quy định. Kết quả 8 tháng năm 2023, có hơn 1.300 lượt tàu cá cập cảng bốc dỡ hàng thủy sản, với tổng sản lượng 22.486 tấn.
Thực hiện quy trình giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, Ban Quản lý cảng cá Kiên Giang tập trung nguồn lực đảm bảo bố trí giám sát 100% sản lượng bốc dỡ qua 2 cảng cá chỉ định, cụ thể tại cảng cá Tắc Cậu bố trí 14 người (chia làm 2 ca trực xuyên suốt 24/24 giờ); tại cảng cá An Thới có 6 người (chia làm 2 ca trực) đảm bảo xuyên suốt trong quá trình tàu cá cập cảng bốc dỡ hàng thủy sản qua cảng.
Để việc kiểm tra, giám sát hoạt động bốc dỡ thủy sản và kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng tại Kiên Giang tốt hơn trong thời gian tới, Ban Quản lý cảng cá Kiên Giang kiến nghị Sở NN&PTNT rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý của các cảng cá để đảm bảo đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ, kiểm soát được tàu cá ra, vào cảng; giám sát sản lượng bốc dỡ; thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác và xác nhận nguồn gốc thủy sản theo quy định. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân; kêu gọi các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản không mua những lô hàng không chứng minh được nguồn gốc khai thác, cùng góp phần tháo gỡ thẻ vàng của EC.